(BVPL) - Ngày 25/11 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành KSND đã tổ chức hội thảo về “Tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 và Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trong ngành KSND”. Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban chỉ đạo ngành KSND về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội dự và chủ trì hội thảo.
 

Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì cuộc họp.


Báo cáo của Ban chỉ đạo ngành KSND về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại hội thảo cho thấy, hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy của VKSND đã được triển khai mạnh mẽ rộng khắp từ VKSNDTC đến Viện kiểm sát địa phương, có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức trong cán bộ, công chức của VKSND. Đặc biệt, Ban chỉ đạo ngành KSND về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ngành đã ban hành các kế hoạch dài hạn để thực hiện Chỉ thị 48 ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; kế hoạch về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị… trong đó đã xác định công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ quan trọng đồng thời đưa ra các nội dung cụ thể cho 2 lĩnh vực công tác này...

Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện lãnh đạo VKSND một số địa phương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSNDTC trình bày tham luận, đóng góp ý kiến, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban chỉ đạo ngành KSND về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã phát biểu kết luận, nhìn chung các ý kiến tại hội thảo đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao đồng thời đề xuất được những giải pháp thiết thực để thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 21 và Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.  

Điểm lại những kết quả mà VKSND các cấp, các đơn vị trực thuộc VKSNDTC đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 và Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị; chỉ ra những thiếu sót, hạn chế, đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, để công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy thời gian tới đạt kết quả tốt hơn thì các  đơn vị, Viện kiểm sát địa phương cần thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của VKSNDTC về thực hiện Chỉ thị số 21, Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị trong ngành KSND. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Viện kiểm sát các cấp về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 của Quốc hội và các chỉ tiêu công tác khác của VKSNDTC. Bên cạnh đó cần chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý bằng nhiều hình thức khác nhau; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh theo phân công của Quốc hội, nhất là các dự án Luật Ngành được giao chủ trì, các luật liên quan đến trách nhiệm và hoạt động của VKSND; tích cực tham gia ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý; kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp theo quy định của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Thứ 8; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nghiệm, phát hiện kịp thời những hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp khắc phục, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đồng thời tổ chức thực hiện quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong ngành KSND. Ngoài ra cần nâng cao nhận thức của cán bộ, Kiểm sát viên về hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, tích cực thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp trong các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài...
 

Văn Tình

.