Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Đức Xuân, Bí Thư đảng ủy, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM; cùng các đồng chí Kiểm sát viên cao cấp.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Đức Xuân và đồng chí Trần Thanh Hoàng chủ trì hội nghị.

Về phía TAND cấp cao tại TP HCM có đồng chí Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND cấp cao; cùng các đồng chí Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hoàng cho biết, ngày 13/9/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM (Viện cấp cao 3) và Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM (Tòa cấp cao 3) đã ký kết quy chế phối hợp công tác số 01/2019/QCPH-VKSCC-TACC (quy chế phối hợp).

Sau 5 năm triển khai thực hiện, căn cứ Điều 15 Quy chế phối hợp, Thủ trưởng hai cơ quan thống nhất tổ chức hội nghị sơ kết để kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác phối hợp trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Viện cấp cao 3, ngay sau khi ký kết, lãnh đạo Viện cấp cao 3, đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện quy chế phối hợp đến tất cả các đơn vị trực thuộc bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua hội nghị giao ban mở rộng của lãnh đạo Viện, mở rộng đến lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị trực thuộc, gửi vào hộp thư nội bộ để Kiểm sát viên, công chức trong cơ quan nghiên cứu, các đơn vị trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt tại các cuộc họp của đơn vị.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Đức Xuân, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM phát biểu kết luận hội nghị.

Việc thực hiện quy chế phối hợp được lãnh đạo Viện cấp cao 3 thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nên nhận thức của Kiểm sát viên, công chức về vai trò, tầm quan trọng trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan không ngừng được nâng cao. Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy chế phối hợp được tập hợp và báo cáo lãnh đạo Viện cấp cao 3 để có giải pháp trao đổi, giải quyết kịp thời.

Sau 5 năm thực hiện quy chế, tổng số hồ sơ Tòa cấp cao 3 chuyển Viện cấp cao 3 để nghiên cứu là 14.311 hồ sơ gồm: 13.590 hồ sơ phúc thẩm và 721 hồ sơ do Tòa kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tổng số hồ sơ do Viện kiểm sát cấp cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và chuyển Tòa án cấp cao để xét xử là 1.588 vụ.

Số lượng hồ sơ vụ việc hai cơ quan chuyển cho nhau để nghiên cứu, giải quyết trung bình hàng tháng là rất lớn, trong đó có nhiều vụ án dày với số lượng bút lục lớn. Việc phối hợp bàn giao, kiểm đếm hồ sơ, bút lục giữa hai cơ quan cơ bản được thực hiện tốt. Hồ sơ vụ việc được các bên quản lý chặt chẽ, bảo quản đầy đủ, không để xảy ra tình trạng mất bút lục, tài liệu trong hồ sơ trong quá trình chuyển giao, nghiên cứu.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM phát biểu tại hội nghị.

Hầu hết hồ sơ vụ việc được Tòa cấp cao 3 chuyển cho Viện cấp cao 3 nghiên cứu đảm bảo đủ thời gian theo quy định. Viện cấp cao 3 sau khi nghiên cứu, trích lập hồ sơ kiểm sát đã kịp thời chuyển trả hồ sơ vụ việc cho Tòa cấp cao 3 đầy đủ, đúng quy định.

Qua 5 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc… Do vậy, tại hội nghị, hai ngành thống nhất, trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Tiếp tục phối hợp tốt trong việc giao nhận hồ sơ vụ việc, văn bản tố tụng  và các tài liệu, chứng cứ giữa hai cơ quan. Đồng thời, phối hợp tốt trong việc phân công lịch xét xử, nhất là các vụ án phúc thẩm.

Hai ngành cũng thống nhất, nghiên cứu sửa đổi Quy chế phối hợp theo hướng bỏ quy định tại Khoản 3, Điều 13 của Quy chế về việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ khi bên kia đã nhận được hồ sơ để giải quyết.

Ngoài ra, trên thực tế hai cơ quan hiện nay cách xa nhau nên không thể chuyển hồ sơ nhiều lần trong tuần nên cần nghiên cứu sửa đổi khoản 2 và khoản 3, Điều 5 của Quy chế đối với thời hạn Viện kiểm sát được giữ hồ sơ để nghiên cứu thuộc trường hợp kháng cáo quá hạn, xét quyết định các loại.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội đồng xét xử, Thư ký và Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp cần tăng cường phối hợp với nhau, đôn đốc các bên hoàn thành công việc của mình đúng hạn như việc gửi bản án, quyết định, gửi bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, hoàn thành biên bản phiên tòa và thực hiện việc kiểm sát biên bản phiên tòa.

Đồng thời, lãnh đạo hai cơ quan cần có chỉ đạo đơn vị mình thực hiện đúng và đầy đủ việc gửi Thông báo không có căn cứ kháng nghị mà cơ quan mình đã giải quyết cho bên còn lại. Định kỳ hàng tháng, hai cơ quan gửi văn bản thông báo cho nhau danh sách những vụ việc đang thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm đã rút được hồ sơ chính…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận và đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung quy chế.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Đức Xuân đánh giá quy chế phối hợp giữa VKSND cấp cao tại TP HCM với TAND cấp cao tại TP HCM đã giúp cho hai đơn vị giải quyết rất nhiều vấn đề mà pháp luật quy định chưa rõ.

Đồng chí Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM đề nghị trong thời gian tới, hai đơn vị tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần tạo mối quan hệ gần gũi hơn, cùng hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.

Đại Lánh - Xuân Trường