(BVPL) - Thực hiện Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) (sửa đổi), vừa qua tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức phiên họp lần thứ năm Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) chủ trì phiên họp.
|
PGS,TS Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban Soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp. |
Tham dự phiên họp thứ năm có đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đồng chí Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp; đồng chí Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tham dự phiên họp còn có đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số Bộ, ngành cùng các đồng chí thành viên Tổ biên tập Bộ luật TTHS (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS và một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Tổ Biên tập Dự án Bộ luật TTHS sửa đổi cho thấy, trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, ngành, Dự thảo Bộ luật TTHS được xây dựng gồm 8 phần, 39 chương, 441 điều, tăng 2 chương và 96 điều so với Bộ luật hiện hành. Về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, theo Báo cáo tóm tắt thì nội dung này gồm các vấn đề liên quan đến việc tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; về quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; về đối tượng được hưởng quyền bào chữa; về diện người bào chữa; về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa; về thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp và phê chuẩn việc bắt khẩn cấp; về việc phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế tố tụng; về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam; về cách quy định các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về trách nhiệm xác minh, gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về nội dung quyết định khởi tố bị can; về thể chế hóa chủ trương của Đảng tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra; về biện pháp trinh sát; về giới hạn xét xử; về sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa...
Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ Biên tập và các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về những nội dung liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS và những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau qua tổng hợp Dự thảo của các Bộ, ngành; đề xuất những văn bản cần ban hành để hướng dẫn Bộ luật TTHS và Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật TTHS trong năm 2014.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) đánh giá cao những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đồng thời đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, các đại biểu tiếp tục quan tâm, tham gia đóng góp những ý kiến có chất lượng vào việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) trong thời gian tới. Theo đồng chí Viện trưởng thì để xây dựng Bộ luật TTHS (sửa đổi) đạt yêu cầu, mục đích đề ra thì cần có sự rà soát lại, cụ thể hóa và tuân thủ những quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát những định hướng sửa đổi ban đầu; đảm bảo nguyên tắc phòng, chống tội phạm trên cơ sở bảo vệ quyền con người; pháp điển hóa một số văn bản liên quan đã có từ trước đến nay và các kết luận trong thời gian tới của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đồng thời phải đảm bảo được sự tương thích với các bộ luật khác...
Đồng chí Viện trưởng cho rằng, dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) bên cạnh việc tiếp tục duy trì các phương án lựa chọn để các đại biểu rộng đường thảo luận thì cũng cần bổ sung vào Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật TTHS năm 2014 một số hoạt động gồm việc tổng kết, đề xuất, góp ý của các cơ quan như Kiểm lâm, Cảnh sát biển…; các ngành Công an - Kiểm sát - Tòa án cần tổ chức lấy ý kiến toàn ngành của mình về dự thảo Bộ luật bằng hình thức phù hợp; cần thiết phải tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Bộ luật. Đồng chí Viện trưởng cho biết thêm, cùng với việc thực hiện nghiêm túc theo Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật TTHS đã đề ra thì vào khoảng tháng 7/2014, Ban soạn thảo Bộ luật TTHS sẽ họp phiên thứ 6 để tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ luật này…
Theo Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), trong năm 2014, dự thảo lần I và dự thảo lần II Bộ luật TTHS (sửa đổi) sẽ được hoàn chỉnh để xin ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành.
V.T