(BVPL) - Tại Hội nghị trực tuyến của ngành KSND vừa được tổ chức nhằm lấy ý kiến toàn Ngành góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với tinh thần trách nhiệm cao cùng với kiến thức và kinh nghiệm của mình, nhiều đại biểu tại VKSND các tỉnh, thành trong cả nước đã nêu lên những ý kiến đóng góp cụ thể, có chất lượng thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chu đáo. Báo BVPL trích đăng những ý kiến tiêu biểu tại Hội nghị này…

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, VKSNDTC:

Góp ý kiến về quy định chức năng, nhiệm vụ của VKSND

Khoản 1 Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định, VKSND thực hiện hai chức năng: “thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Quy định tại khoản 1 Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về chức năng của VKSND cơ bản là phù hợp, tuy nhiên, đối chiếu với các chức năng, nhiệm vụ mà VKS đang được giao đảm nhiệm và các yêu cầu mới về kỹ thuật lập hiến thì cũng cần được nghiên cứu để bổ sung cho phù hợp. Ngoài hai chức năng hiến định nêu trên, pháp luật hiện hành còn giao cho VKS thực hiện một số nhiệm vụ như: thống kê tội phạm; làm đầu mối về tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Các nhiệm vụ này không thuộc phạm vi chức năng công tố, cũng không thuộc phạm vi chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Sở dĩ Quốc hội giao cho VKS đảm nhiệm các nhiệm vụ này, bởi lẽ trong hệ thống các cơ quan tư pháp ở Nhà nước ta, VKSND là cơ quan tố tụng duy nhất tham gia vào tất cả các giai đoạn (từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) nên VKS có điều kiện tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao.

Một trong những yêu cầu mới đặt ra đối với việc sửa đổi Hiến pháp lần này được Nghị quyết Trung ương II và Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhấn mạnh, đó là phải đổi mới kỹ thuật lập hiến để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp. Theo đó, những vấn đề thuộc quy trình, thủ tục, cách thức tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước giao cho pháp luật quy định; những vấn đề về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cần được quy định rõ trong Hiến pháp. Do vậy, để phù hợp với các chức năng, nhiệm vụ VKS được giao đảm nhiệm, đáp ứng các yêu cầu mới về kỹ thuật lập hiến, đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 112 theo hướng: “VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện những nhiệm vụ khác do luật định”. Việc bổ sung quy định nêu trên chính là nhằm bảo đảm tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra đối với hoạt động lập hiến, lập pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đồng thời, tránh những tranh luận không đáng có trong quá trình xây dựng các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng:

Góp ý bổ sung vào Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Về chế định VKSND: Tổng kết thực tiễn thi hành Hiến pháp những năm qua cho thấy, từ khi thành lập đến nay, VKSND là công cụ quan trọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân có chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Mặc dù từ năm 2001 đến nay, phạm vi kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã bị thu hẹp chỉ trong hoạt động tư pháp nhưng vị trí, vai trò của VKSND trong bộ máy Nhà nước ta là hết sức quan trọng, cần thiết phải được tăng cường trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, tôi đề xuất: Bổ sung vào khoản 1 Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như sau: “1. VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và những việc khác do luật định”. Đây là căn cứ pháp lý hết sức quan trọng để VKSND có thể thực hiện các nhiệm vụ khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết giao cho, để quy định cụ thể trong Luật Tổ chức VKSND và những luật khác có liên quan, như: Thẩm quyền kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Bộ trở xuống để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật; kiểm sát việc xử lý hành chính để bảo đảm không bỏ lọt tội phạm; thực hiện các nhiệm vụ khác, như: Thống kê tội phạm học, tương trợ tư pháp... Bổ sung vào phần cuối khoản 3 Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như sau: “Các quyết định, yêu cầu của VKSND phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành”. Do đặc thù của công tác kiểm sát, VKSND phát hiện vi phạm, thiếu sót của các cơ quan tư pháp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và ban hành các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có chế tài cụ thể để bảo đảm những yêu cầu của VKS được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Vì vậy, để cụ thể hóa chủ trương của Đảng ta là “Tăng cường trách nhiệm công tố” cần thiết bổ sung nguyên tắc hiến định này, làm căn cứ pháp lý để quy định cụ thể trong các luật khác, nhằm bảo đảm hiệu lực hoạt động của VKSND trong thực tiễn”.

Đồng chí Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện phúc thẩm 3:

 Kiến nghị sửa đổi Điều 114 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Nguyên tắc tập trung thống nhất trong tổ chức và hoạt động của VKSND xuất phát từ yêu cầu khách quan từ vị trí, chức năng và xuất phát từ nhiệm vụ bảo đảm pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước. Yêu cầu này không thể thực hiện được nếu không có sự lãnh đạo tập trung từ một trung tâm thống nhất của hệ thống cơ quan VKS. Mặt khác, bảo đảm pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước đòi hỏi hệ thống cơ quan VKS phải được tổ chức sao cho các VKSND từ trung ương đến địa phương phải độc lập chỉ chịu sự chỉ đạo duy nhất từ một trung tâm (Viện trưởng VKSNDTC), nên nhất thiết phải bảo đảm nguyên tắc độc lập (không lệ thuộc vào cơ quan Nhà nước nào ở địa phương). Vì vậy, hai nguyên tắc này có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau và tác động biện chứng với nhau.

Tuy nhiên, các Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND qua các thời kỳ thể hiện nội dung của nguyên tắc chủ yếu chỉ ở nội dung Viện trưởng VKS cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKS cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC. Luật Tổ chức VKSND năm 2002 có bổ sung thêm trách nhiệm của VKS cấp trên kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm của VKS cấp dưới. Duy nhất chỉ có Luật Tổ chức VKSND năm 1981 sử dụng thuật ngữ “tập trung thống nhất”, thể hiện rõ ràng hơn nguyên tắc này: “Các VKSND tổ chức và hoạt động theo chế độ tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan nào của nhà nước ở địa phương” (Điều 5). Do vậy, chúng tôi đề nghị: Điều 114 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên quy định rõ như Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 1981, đó là: “Các VKSND tổ chức và hoạt động theo chế độ tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan nào của nhà nước ở địa phương”.

Điều 114 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng cần thể hiện yêu cầu khái quát: VKS hoạt động độc lập, tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC. Các cơ quan nhà nước địa phương không được can thiệp vào hoạt động của VKSND. Còn việc Viện trưởng VKSND địa phương báo cáo tình hình pháp luật và tham mưu cho địa phương và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hoàn toàn khác báo cáo hoạt động nghiệp vụ của VKSND. Và việc chất vấn của HĐND hoàn toàn không phải là sự yêu cầu báo cáo và chỉ đạo hoạt động của VKSND. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rằng, nguyên tắc độc lập nêu trên là nhằm bảo đảm cho VKSND không bị can thiệp trái pháp luật từ bất kỳ cơ quan nhà nước nào vào hoạt động thực hiện chức năng của VKSND. Ở đây, “độc lập” hoàn toàn không có nghĩa là làm cho VKSND thoát ly với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, mà ngược lại, VKSND là một hệ thống trong bộ máy nhà nước thống nhất thì đòi hỏi VKSND phải phối hợp hữu cơ, tác động hỗ trợ qua lại giữa các hệ thống cơ quan nhà nước trong định hướng chung. Đó chính là VKS vừa bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc chung của bộ máy nhà nước mà VKSND là một thành tố, đồng thời bảo đảm tính thống nhất và tính độc lập nhằm hoàn thành tốt chức năng đặc thù của VKSND do Hiến pháp quy định.

Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 114 Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) như sau: 1. VKSND tổ chức và hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước địa phương nào; 2. VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên; Viện trưởng VKS các cấp chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của VKS cấp mình và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC; 3. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương; 4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của KSV do luật định.

Đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam:

Đề nghị khôi phục chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 51/2001/QH10, VKSND thôi không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa. Công cụ kiểm tra, giám sát hữu hiệu các hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các nguồn lực quốc gia bị bỏ ngỏ. Những năm gần đây, trong xã hội đã xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực, nhưng không được ngăn chặn do không có cơ quan đủ thẩm quyền thay mặt Quốc hội để giám sát, phòng ngừa. Ví dụ: hàng chục triệu mét vuông đất đã bị thu hồi và sử dụng không đúng mục đích dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, vi phạm quy định của Luật Đất đai. Việc sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia nặng về tính tự chủ của các doanh nghiệp, thiếu sự giám sát hiệu quả của Quốc hội dẫn đến những thất thoát đặc biệt nghiêm trọng, chừng mực nào đó đã làm ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế, quốc phòng của quốc gia nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ngày càng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không thực sự đáp ứng được việc điều chỉnh quan hệ xã hội trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… nhưng không có cơ quan “gác cổng” hiệu quả… Do vậy, tôi đề nghị khôi phục chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS đã được quy định tại Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1992 vào Điều 112 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
 

P.V (lược ghi)

.