(BVPL) - Trong hai ngày 15 và 16/1/2013, ngành KSND đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013. Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến, cũng như những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn công tác của các đại biểu. Phóng viên báo BVPL đã lược ghi các ý kiến đó và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đồng chí Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A - VKSNDTC:
Tăng cường hoạt động công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra
|
Đồng chí Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A - VKSNDTC. |
Đó là sự chủ động liên tục của VKS trong việc thực hiện đầy đủ các hành vi, quyết định công tố theo thẩm quyền do BLTTHS quy định ngay từ khi CQĐT giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành các hoạt động điều tra trước khi khởi tố vụ án hình sự và trong suốt quá trình điều tra, thu thập chứng cứ cho đến khi kết thúc điều tra.
Hoạt động công tố trong hoạt động điều tra là hoạt động quyết định chính xác, kịp thời các nhiệm vụ tố tụng liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, hạn chế các quyền cơ bản của công dân (bắt, tạm giữ, khởi tố, tạm giam...), phải được thực hiện song hành với hoạt động điều tra. Theo đó, cần khắc phục tình trạng thụ động, chờ việc từ CQĐT, phải chủ động nắm vững thông tin tội phạm xảy ra trên địa bàn trong lĩnh vực phân công phụ trách để yêu cầu CQĐT xác minh đầy đủ, phân loại, xử lý chính xác, kịp thời các tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận được... Trong năm 2013, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, chúng ta cần có giải pháp để ngăn ngừa tình trạng CQĐT bỏ sót, không thụ lý đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm đạt được thực chất các chỉ tiêu Quốc hội giao là xử lý đạt trên 90% tố giác tin báo về tội phạm; khám phá các loại án trên 70%, đối với vụ trọng án là trên 90%.
Để tăng cường tính chế ước của VKS đối với hoạt động điều tra đảm bảo các trường hợp phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT đều có căn cứ, đúng pháp luật và trong thời hạn luật định, thì trước khi xét phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, xét phê chuẩn việc tạm giam, nên lấy lời khai người bị bắt, lấy lời khai của người bị khởi tố, hỏi cung bị can. Đối với các quyết định tố tụng của CQĐT không đủ căn cứ, thì không phê chuẩn mà phải yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ; những quyết định tố tụng không có căn cứ và trái pháp luật hoặc không cần thiết thì kiên quyết không phê chuẩn...
Ngoài ra, để tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt điều tra”, tới đây các đơn vị chức năng thuộc VKSNDTC sẽ tham mưu cho Viện trưởng VKSNDTC ban hành chỉ thị về thực hiện chủ trương này, trong đó phân công cụ thể cho các đơn vị thuộc VKSNDTC nghiên cứu xây dựng đề án, ban hành mới và sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn như: Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP về “Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS” để làm tốt trách nhiệm công tố ngay từ khi CQĐT giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong quá trình điều tra đến khi kết thúc điều tra”; Sửa đổi, bổ sung quy chế “Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự”, ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSNDTC về quy trình, phương pháp tiến hành các hoạt động công tố và kiểm sát điều tra; Xây dựng “Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi”;...
Đồng chí Trần Đình Khánh, Vụ trưởng Vụ 5 - VKSNDTC:
Một số giải pháp thực hiện công tác kiểm sát các vụ, việc dân sự năm 2013
|
Đồng chí Trần Đình Khánh, Vụ trưởng Vụ 5 - VKSNDTC. |
Năm 2012 là năm đầu thực hiện BLTTDS (sửa đổi, bổ sung năm 2011), VKS các cấp đã kiện toàn về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoàn thành khối lượng công việc lớn, các mặt công tác đạt kết quả tích cực, quan trọng. Nhìn chung, hầu hết KSV đều thể hiện được bản lĩnh, trách nhiệm, vai trò của VKS trong hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa; phiên họp; đề xuất quan điểm giải quyết vụ, việc dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện các vi phạm và kiến nghị với HĐXX về việc chấp hành pháp luật. Nhiều VKS địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu về số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm. Tuy nhiên, bước đầu VKS các cấp còn gặp khó khăn, vướng mắc do các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện BLTTDS.
Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, phấn đấu đạt các chỉ tiêu nghiệp vụ đã đề ra, năm 2013, VKS các cấp cần thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục củng cố về tổ chức, tăng cường cán bộ; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cho cán bộ, KSV về kỹ năng thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự...VKS cấp dưới chủ động kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp; đồng thời chuyển các bản án, quyết định cho VKS cấp trên để xem xét và phối hợp xử lý đối với các bản án, quyết định phát hiện có vi phạm pháp luật. Qua việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, VKS cấp trên thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên hủy, sửa cơ bản do lỗi chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng...
VKS các cấp đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; trên cơ sở biên chế được giao, phân công hợp lý cán bộ, KSV nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát bản án, quyết định... Các bản án do VKS cấp dưới chuyển đến VKS cấp trên đều phải được vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát và đề xuất quan điểm xử lý đối với bản án, quyết định phát hiện có vi phạm pháp luật. VKS cấp trên thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ VKS cấp dưới nhằm phát hiện những vướng mắc, bất cập về nhận thức pháp luật, thực hiện quy chế nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát. VKS cấp dưới chủ động báo cáo VKSNDTC những vướng mắc, bất cập trong nhận thức, áp dụng pháp luật tố tụng và nội dung; VKSNDTC chú trọng hơn nữa việc nghiên cứu trả lời kịp thời các báo cáo thỉnh thị của VKS các cấp.
Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội:
VKSND TP. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ
|
Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội. |
Từ nhiều năm trước, VKSND TP. Hà Nội đã phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án thành phố xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành trong các lĩnh vực giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm; trong giải quyết các vụ án, trong chỉ đạo, điều hành cấp huyện. Trong năm 2012, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo VKS hai cấp hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định trong các quy chế đã có. Có thể nói, hầu hết các lĩnh vực công tác đều có các quy định về quan hệ phối hợp giữa VKSND hai cấp với cơ quan Công an, Tòa án. Các quy định trên đã phát huy tác dụng, hỗ trợ cho VKS hai cấp trong việc thực hiện tốt các chỉ tiêu công tác, khắc phục các hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng công tác. Cụ thể, đối với Cơ quan điều tra (CQĐT), VKSND TP. Hà Nội có Quy chế phối hợp trong giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm của CQĐT, theo Quy chế này, định kỳ hàng tháng, CQĐT thông báo kết quả cho VKS kết quả giải quyết, những tin báo tố giác còn quá hạn, lý do quá hạn. Việc tiến hành kiểm sát trực tiếp CQĐT về lĩnh vực này được thực hiện ở hai cấp kiểm sát và được CQĐT ủng hộ.
Trong quan hệ với Tòa án, VKSND TP. Hà Nội có nhiều quy định về mối quan hệ phối hợp trong lĩnh vực giải quyết án hình sự, dân sự, cụ thể như quy định về bổ sung tài liệu, thủ tục trước khi trả hồ sơ điều tra bổ sung; về thông báo lịch xét xử, về thực hiện các phiên tòa xét xử lưu động và nhất là thực hiện chủ trương của Ngành về các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong quy chế phối hợp liên ngành còn quy định, hàng năm, VKS hai cấp phối hợp với Tòa án, CQĐT tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về quan hệ phối hợp và các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ phát sinh trong công tác của mỗi cơ quan.
Có thể khẳng định, việc xây dựng, củng cố quan hệ phối hợp đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác thực hiện chức năng của ngành KSND thành phố cũng như công tác của các cơ quan tư pháp khác, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng.
Đồng chí Lê Thành Lượng, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long:
Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
|
Đồng chí Lê Thành Lượng, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long. |
Đây được xem là khâu đột phá quan trọng của hoạt động tư pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Vì vậy, hàng năm VKSND tỉnh Vĩnh Long tập trung chỉ đạo các đơn vị, VKSND các huyện, thành phố, các KSV làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trong đó đặc biệt chú ý đến tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, song hành với CQĐT trong điều tra làm rõ tội phạm; phối hợp chặt chẽ với CQĐT để tìm ra giải pháp phát hiện, xử lý tội phạm khẩn trương nhất, đầy đủ nhất. Từ đó, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự được nâng lên, chất lượng luận tội, tranh tụng tại phiên tòa của KSV có sự chuyển biến rõ rệt.
Một số giải pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự như: Tăng cường công tác kiểm sát điều tra ngay từ đầu, nắm chắc tiến độ điều tra, trực tiếp tham gia cùng CQĐT để lấy lời khai, hỏi cung bị can, khám xét, đối chất...Song hành cùng CQĐT trong điều tra làm rõ tội phạm. Mục tiêu của hoạt động kiểm sát điều tra là nhằm tạo điều kiện cho việc thực hành quyền công tố được tốt, đảm bảo truy tố có căn cứ và đúng pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa đảm bảo chứng cứ vững chắc trước khi tranh luận. Đồng thời, chú trọng đến các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa.
Ngoài ra, đơn vị chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, duy trì chế độ họp giao ban tháng xoay vòng tại VKSND các huyện, thành phố có sự tham gia của Thường trực cấp ủy địa phương, để kịp thời đánh giá và chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc...
Đồng chí Lương Ngọc Dũng, Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên:
Tăng cường công tác kiểm sát thi hành án hình sự
|
Đồng chí Lương Ngọc Dũng, Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên. |
Thi hành án hình sự (THAHS) là giai đoạn cuối cùng của tố tụng hình sự, kiểm sát thi hành án hình sự là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát, nhằm đảm bảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần quan trọng trong việc thực thi pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh và thống nhất của pháp chế. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có hiệu quả vềâ công tác THAHS tại địa phương trong năm 2012 cho thấy, công tác kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong thi hành án hình sự đã góp phần đảm bảo việc tổ chức thi hành bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật thực hiện đúng quy định pháp luật về THAHS.
Bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn, vướng mắc trong công tác THA. Cụ thể, đối với bị án đang tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù theo quy định của Luật THAHS, trước khi hết thời hạn tạm hoãn, tạm đình chỉ 7 ngày thì Chánh án ra quyết định tạm hoãn, tạm đình chỉ ra thông báo cho bị án và các cơ quan theo quy định...nhưng không có quyết định khác nên khi dẫn giải bị án vào trại giam cải tạo, Ban giám thị không nhận và yêu cầu có quyết định; Về thẩm quyền lập hồ sơ miễn THA phạt tù đối với bị án quy định tại Điều 34 Luật THAHS, trong thực tiễn hiện nay, Tòa án nhận đơn và thiết lập hồ sơ, chuyển đến VKS để nghiên cứu theo thẩm quyền thì có đảm bảo hay không? Đề nghị VKSNDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể để quá trình vận dụng được thuận lợi.
Để tăng cường sự lãnh đạo trong công tác kiểm sát trực tiếp THAHS, rút ra những bài học nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát trực tiếp THAHS, chúng tôi đã thực hiện một số giải pháp như: Trước hết là nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành. Nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hiện công tác kiểm sát THAHS. Tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh với các cơ quan cùng cấp như: Tòa án, cơ quan THAHS, Công an... Để nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến việc THAHS, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, nội dung trực tiếp kiểm sát...
Đồng thời, đề nghị VKSNDTC nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy chế về công tác kiểm sát THAHS theo hướng chi tiết, cụ thể, đầy đủ hơn về phương thức tiến hành kiểm sát, nhất là kiểm sát trực tiếp; VKSNDTC phối hợp với liên ngành Trung ương sớm có thông tư và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác THAHS, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.
Thanh Dịu - Mai Hòa
(Thực hiện)