Những tiếng nói từ cơ sở - Kỳ 4
Cập nhật lúc 14:00, Thứ năm, 20/12/2012 (GMT+7)
Tiếp theo những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành KSND diễn ra trong hai ngày 6 – 7/12/2012 tại Hà Nội, trong số này, báo BVPL tiếp tục tổng hợp những ý kiến của các đại biểu VKS các cấp về Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, góp phần sửa đổi đạo luật này trong thời gian tới được phù hợp, hoàn thiện và hiệu quả hơn. (điều tra, bị can, điều kiện, cơ quan, cơ sở, hoạt động)
(BVPL) - Tiếp theo những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành KSND diễn ra trong hai ngày 6 – 7/12/2012 tại Hà Nội, trong số này, báo BVPL tiếp tục tổng hợp những ý kiến của các đại biểu VKS các cấp về Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, góp phần sửa đổi đạo luật này trong thời gian tới được phù hợp, hoàn thiện và hiệu quả hơn.
Từ những vướng mắc được rút ra từ thực tiễn áp dụng pháp luật, để hoàn thiện hơn nữa Bộ luật tố tụng hình sự, tôi xin đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật TTHS hiện hành, cụ thể như sau:
Về việc hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS: Cần sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc công tố, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án,... theo hướng bảo đảm tối đa sự có mặt của người tham gia tố tụng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, đồng thời hạn chế quyền tuỳ nghi và điều kiện xét xử vắng mặt không chỉ đối với bị cáo mà cả những người tham gia tố tụng khác.
Viện kiểm sát có quyền yêu cầu các cơ quan (bao gồm Cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng như các tổ chức và cá nhân khác) cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết cho việc xác định dấu hiệu tội phạm nhằm phục vụ cho công tác kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự: Đổi mới thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo hướng tạo điều kiện cho Viện kiểm sát kiểm soát được tình hình tội phạm thông qua việc tiếp nhận, xử lý những thông tin về tội phạm. Cần giao thêm những thẩm quyền nhất định cho Viện kiểm sát như: việc tiếp nhận những thông tin về tội phạm từ các nguồn khác nhau và từ những cơ quan khác nhau (nhất là cơ quan Công an) đều phải được thông báo hàng ngày cho Viện kiểm sát. Thông qua việc quản lý, theo dõi những thông tin về tội phạm, Viện kiểm sát sẽ nắm được việc thẩm tra, xác minh những thông tin tội phạm này của Cơ quan điều tra các cấp để tránh bỏ lọt tội phạm.
Mở rộng phạm vi Viện kiểm sát thực hiện quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo hướng: Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra khi có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, nếu yêu cầu đó không được Cơ quan điều tra thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và yêu cầu điều tra.
Hữu Hoa (lược ghi)
.