(BVPL) - Hội nghị toàn quốc ngành KSND về “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003” đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội trong 2 ngày 6 - 7/12/2012, được đánh giá là Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, hội tụ được trí tuệ của toàn bộ cán bộ, Kiểm sát viên. Nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực đã tham luận tại Hội nghị.… Báo BVPL tiếp tục đăng những ý kiến tại Hội nghị.

 


Tại khoản 1 Điều 12 Luật tổ chức VKSND quy định, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, VKS phải bảo đảm “mọi hành vi phạm tội đều được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội”. Để chống bỏ lọt tội phạm thì VKS phải nắm được tất cả các tin báo, tố giác tội phạm. Luật tổ chức VKSND và Bộ luật TTHS quy định việc xác minh tin báo tố giác tội phạm thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, còn VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm của CQĐT nhưng không quy định về cơ chế, trách nhiệm của CQĐT phải cung cấp tin báo tố giác tội phạm cho VKS, dẫn đến VKS khó quản lý tốt tin báo tố giác tội phạm. Trong thực tế, có nhiều tin báo tố giác tội phạm CQĐT nắm được nhưng không vào sổ thụ lý, không thông báo nên VKS không nắm được để tác động giải quyết, dẫn đến bỏ lọt tin báo, tố giác tội phạm.

Có ý kiến cho rằng, VKS phải chủ động tìm mọi biện pháp để nắm toàn bộ tin báo tội phạm xảy ra trên địa bàn. Ý kiến khác lại cho rằng, Điều 101 Bộ luật TTHS quy định cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay cho CQĐT (chứ không phải VKS), đồng thời Luật cũng quy định khi VKS nhận được tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố thì phải chuyển ngay cho CQĐT giải quyết, nghĩa là không có quy định nào buộc CQĐT phải cung cấp đầy đủ tin báo tội phạm cho VKS nên VKS không có trách nhiệm và cũng không có quyền đến các cơ quan khác để nắm tin báo tội phạm hoặc yêu cầu họ cung cấp thông tin trước khi vụ án được khởi tố. Do đó VKS không thể nắm hết tình hình tội phạm xảy ra. Chính vì vậy, quy định trách nhiệm của VKS phải đảm bảo “mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội” là khó khả thi. Vấn đề này cần phải được xem xét kỹ trong lần sửa đổi BLTTHS tới đây.
 

Nhóm PV (lược ghi)

.