(BVPL) - Luật tổ chức VKSND số 63/2014/QH13 và Nghị quyết số 82/2014/QH13 về việc thi hành Luật tổ chức VKSND được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014. Với 6 chương, 101 điều, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã tiếp tục khẳng định rõ hơn vị trí của VKSND là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời có nhiều nội dung mới so với Luật hiện hành…
 

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.


VKSND - thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước

Luật tổ chức VKSND năm 2014 khẳng định rõ hơn vị trí của VKSND là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định, VKSND thực hành quyền công tố trong các giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, trong tương trợ tư pháp về hình sự; thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, do Luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa rõ nên Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã bổ sung các quy định về kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kiểm sát trong giai đoạn truy tố; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.
 

Ngày 24/11/2014, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ Tám đã thông qua dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành là 411 phiếu (chiếm 82,7%). Luật tổ chức VKSND năm 2014 có kết cấu gồm 06 chương, 101 điều gồm: Chương I: Những quy định chung, gồm có 11 điều quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, các lĩnh vực công tác, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, ngày truyền thống, phù hiệu của VKSND. Chương II: Các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, gồm có 28 điều được chia thành 10 mục, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong các lĩnh vực công tác. Chương III: Tổ chức của VKSND, gồm có 18 điều quy định về hệ thống VKSND, VKS quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp; cơ cấu tổ chức của VKSND, VKS quân sự các cấp; việc thành lập, giải thể VKSND, VKS quân sự. Chương IV: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của VKSND, gồm có 35 điều được chia thành 04 mục, quy định chế độ pháp lý đối với các chức danh tư pháp của VKSND. Chương V: Bảo đảm hoạt động của VKSND, gồm có 07 điều quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của VKSND và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của VKSND. Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm có 02 điều quy định về hiệu lực thi hành của Luật, trách nhiệm của các cơ quan và các điều, khoản của Luật cần quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã làm rõ nội dung các khâu công tác và bổ sung quy định về các công tác phục vụ thực hiện chức năng của VKSND. Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã phân định lại một cách rõ ràng, hợp lý, cụ thể các khâu công tác thực hiện chức năng gồm: THQCT, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; THQCT và KSĐT vụ án hình sự; THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; THQCT và KSXX vụ án hình sự; Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND; Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; Kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; THQCT và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong từng khâu công tác; Bổ sung quy định và phân biệt rõ các công tác phục vụ thực hiện chức năng gồm thống kê tội phạm; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế; phổ biến, giáo dục pháp luật.

Mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND

Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Theo Luật hiện hành, Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra VKS quân sự Trung ương điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra VKS quân sự Trung ương không chỉ điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà còn điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (Điều 20).

Cùng với đó, Luật tổ chức VKSND năm 2014 cũng đã phân định các trường hợp VKSND thực hiện quyền kháng nghị hoặc quyền kiến nghị. Luật hiện hành đã quy định quyền kháng nghị, quyền kiến nghị của VKS nhưng chưa phân định rõ trong trường hợp nào thì VKS kháng nghị, và trong trường hợp nào thì VKS kiến nghị. Luật tổ chức VKSND năm 2014 nêu rõ, VKSND thực hiện quyền kháng nghị trong trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. VKSND thực hiện quyền kiến nghị trong trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng hoặc khi phát hiện cơ quan, tổ chức hữu quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kháng nghị, kiến nghị của VKSND, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi VKSND thực hiện các quyền này trên thực tế (Điều 5).
 

Dưới sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, mới đây VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh; các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSNDTC qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo Viện, lãnh đạo cấp phòng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp huyện... Hội nghị đã nghe Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình và Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể thông báo nhanh tới các đại biểu những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), đồng thời nghe Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC Nguyễn Minh Đức trình bày dự thảo Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành KSND. 

Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã làm rõ hơn nội dung nguyên tắc “tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành” và làm rõ “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND” theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể: Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã làm rõ mối quan hệ giữa Viện trưởng VKSND cấp trên với Viện trưởng VKSND cấp dưới và ngược lại thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND các cấp. Đồng thời làm rõ thêm quy định của Hiến pháp “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND” như sau: “Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng VKS. Khi có căn cứ cho rằng, quyết định đó là trái pháp luật thì Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng VKSND cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Thêm một cấp kiểm sát mới   

Về tổ chức bộ máy của VKSND, Luật năm 2014 quy định, VKS gồm 04 cấp (VKSNDTC, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện), trong đó VKSND cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao. Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp cao gồm có Ủy ban kiểm sát (UBKS), Văn phòng, các viện và đơn vị tương đương. Về tổ chức bộ máy VKSND cấp huyện, theo Luật năm 2014, VKSND cấp huyện gồm có Văn phòng và các Phòng, những nơi chưa đủ điều kiện thành lập Phòng thì tổ chức các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc. Về UBKS, theo Luật hiện hành, UBKS được tổ chức ở VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự Trung ương, VKS quân sự quân khu và tương đương. Theo Luật năm 2014, UBKS được thành lập thêm ở VKSND cấp cao. Như vậy, theo Luật hiện hành và Luật mới thì ở VKSND cấp huyện, VKS quân sự khu vực không tổ chức UBKS. Về vị trí, vai trò, thẩm quyền của UBKS: Luật tổ chức VKSND năm 2014 tiếp tục quy định UBKS có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của VKSND. Riêng đối với các vụ án, vụ việc, UBKS chỉ có vai trò tư vấn theo đề nghị của Viện trưởng; Luật năm 2014 còn bổ sung thẩm quyền cho UBKS xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch Kiểm sát viên; Luật năm 2014 quy định rõ, khi quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, UBKS phải ban hành nghị quyết (Luật hiện hành không quy định rõ vấn đề này). Liên quan đến mối quan hệ của Viện trưởng VKSNDTC với UBKS, Luật năm 2014 quy định trường hợp Viện trưởng VKSNDTC không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên UBKS thì vẫn phải thực hiện theo quyết định của đa số, mà không có quyền báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Ở các cấp VKS khác, trong trường hợp Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên UBKS thì phải thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng VKSNDTC. Nếu ở VKS quân sự quân khu và tương đương thì Viện trưởng VKS quân sự quân khu và tương đương báo cáo Viện trưởng VKS quân sự Trung ương.

Về Kiểm sát viên và Kiểm tra viên: Theo Luật năm 2014 gồm 04 ngạch (Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp). Quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp tương ứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSNDTC hiện nay và nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSNDTC. Về số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC, Luật năm 2014 quy định không quá 19 người. Về nhiệm kỳ Kiểm sát viên, Luật năm 2014 quy định Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. Về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên, Luật năm 2014 quy định: Áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Hội đồng thi được tổ chức ở VKSNDTC, do Viện trưởng  VKSNDTC làm Chủ tịch, các ủy viên gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan. Không áp dụng hình thức thi tuyển vào ngạch đối với Kiểm sát viên VKSNDTC. Về Kiểm tra viên, Luật hiện hành không quy định về Kiểm tra viên; Luật năm 2014 quy định Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng. Kiểm tra viên có 03 ngạch như hiện nay (Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp). Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Về VKS quân sự, Luật hiện hành chỉ quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên; Luật năm 2014 đã phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh quân khu và tương đương trong việc điều động, luân chuyển, biệt phái Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức của VKS quân sự. Về bảo đảm hoạt động của VKSND, Luật năm 2014 quy định rõ trong trường hợp Chính phủ và VKSNDTC không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của VKSND thì Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với cơ chế trình kinh phí hoạt động của VKS quân sự, theo Luật năm 2014, kinh phí hoạt động của VKS quân sự do Viện trưởng VKS quân sự Trung ương lập dự toán báo cáo Bộ Quốc phòng để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định, không phải phối hợp với VKSNDTC như hiện nay. Về trọng tâm ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho VKSND, Luật hiện hành ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin và các phương tiện khác. Luật năm 2014 ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động. Về các chế độ bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của VKSND: Luật hiện hành chỉ quy định chung về chế độ tiền lương, phụ cấp, giấy chứng minh, trang phục. Luật năm 2014 đã bổ sung các quy định: Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên có thang, bậc lương riêng, chế độ phụ cấp đặc thù và phụ cấp khác; chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành KSND; bảo đảm kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của VKSND là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm, tạo cơ sở pháp lý để Viện trưởng VKSNDTC ban hành các hình thức khen thưởng đặc thù của ngành Kiểm sát.

 

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.


Về cơ chế kiểm soát, giám sát đối với VKSND, Luật hiện hành quy định về giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với VKSND, giám sát của nhân dân đối với Kiểm sát viên. Luật năm 2014 quy định cơ chế kiểm soát trở lại của cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Đây là việc thể chế hóa tư tưởng kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp năm 2013; quy định rõ các thiết chế giám sát bằng hình thức dân chủ đại diện gồm có Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định cơ chế giám sát thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị - xã hội.
 

Văn Tình (Tổng hợp)

.