Trước hết, tôi xin gửi lời chúc mừng đến các bác, các anh, các chị đã và đang làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân. Chúc các Nhà báo của Ngành luôn mạnh khỏe, có nhiều bài viết hay, phục vụ thiết thực nhu cầu bạn đọc, để các cơ quan báo chí và các ấn phẩm báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân luôn là diễn đàn thông tin quan trọng của các đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành.

 

Các đồng chí Lãnh đạo VKSNDTC các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm với tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo Bảo vệ pháp luật tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo.

Các đồng chí Lãnh đạo VKSNDTC các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm với tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo Bảo vệ pháp luật tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo.


Hơn 50 năm qua, cùng với sự phát triển của Ngành, các cơ quan báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự phát triển vững chắc và trưởng thành về mọi mặt. Không chỉ có cán bộ, nhân viên trong ngành Kiểm sát, mà bạn đọc trên mọi miền của đất nước đã có thể tiếp cận với các ấn phẩm báo chí của các cơ quan báo chí thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Sự lớn mạnh của các cơ quan báo chí trong ngành Kiểm sát thể hiện ở chỗ không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà cả về chất lượng, đã đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, trước hết là nhu cầu thông tin của hơn một vạn cán bộ trong Ngành và của các cơ quan trong khối Tư pháp, Nội chính.

Thuở ban đầu, sau một năm thành lập Ngành, ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân là cuốn “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” xuất bản ngày 26/02/1961. Đến nay ngành Kiểm sát nhân dân đã có Tạp chí Kiểm sát ấn hành mỗi tháng 2 số in, Tạp chí Kiểm sát online, báo Bảo vệ pháp luật in mỗi tuần 3 kỳ, báo Bảo vệ pháp luật online, trang Thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bản Thông tin Khoa học của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trang thông tin điện tử của Trường Đại học Kiểm sát và hàng chục trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tôi trân trọng và khâm phục những người làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân, vì xuất phát điểm của họ và những ấn phẩm báo chí của Ngành đều bắt đầu từ niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những cán bộ Kiểm sát được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho nhiệm vụ rất mới đối với họ là LÀM BÁO.

Vạn sự khởi đầu nan nên bao giờ cũng vất vả. “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” - ấn phẩm báo chí đầu tiên là sản phẩm của Phòng Tập san Tuyên truyền thuộc Vụ Nghiên cứu khoa học thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các Nhà báo đầu tiên của ngành Kiểm sát lúc đó là các bác Nguyễn Văn Khuê, Thạch Giản, Phạm Quang Lý. Nhà báo Thạch Giản tâm sự: “Buổi đầu làm báo Ngành rất khó khăn, chỉ có 3 người, không có Cộng tác viên, bài vở viết tay hoàn toàn. Vì vậy viết như thế nào để phản ánh được chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, thực sự là việc khó khăn”. Ba mươi năm qua đi (1961-1990) từ “Tập trao đổi kinh nghiệm Công tác Kiểm sát” tới “Nội san Công tác Kiểm sát” và “Tập san Công tác Kiểm sát”; các thế hệ làm báo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc đó đã truyền tải một lượng thông tin đồ sộ về khoa học pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát tới các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Các Nhà báo: Nguyễn Văn Khuê, Thạch Giản, Phạm Quang Lý, Võ Hoa Thám, Nguyễn Đình Quế, Bùi Hữu Hùng, Phạm Huỳnh Công, Trần Văn Nam, Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Phương Hồng… đều là những cây bút chủ lực trên tờ tạp chí của Ngành thời đó. Dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân (tháng 2 năm 2011), tại Đà Lạt các Nhà báo Thạch Giản, Khuất Văn Nga, Phạm Huỳnh Công, Võ Hoa Thám, Lại Hợp Việt… đã chia sẻ rất nhiều kỷ niệm trong thời gian làm báo của mình.

Nếu như 30 năm đầu các Nhà báo Kiểm sát vừa mở đất cho báo chí trong Ngành, vừa tích luỹ kinh nghiệm; thì hơn 20 năm sau (từ năm 1990 đến nay), các Nhà báo Kiểm sát ở thời kỳ này đã góp phần làm nên sự phát triển nhanh chóng của báo chí ngành Kiểm sát. Những mốc thời gian quan trọng đã khắc sâu vào tâm trí của những người làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Ngày 12/10/1990, khi Tập san Công tác kiểm sát chính thức đổi tên thành Tạp chí Kiểm sát, Tổng Biên tập Khuất Văn Nga và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Đình Quế đã trăn trở tìm hướng đổi mới từ nội dung “Nội san” sang nội dung “Tạp chí”, vì từ đây ấn phẩm này không chỉ phát hành trong nội bộ Ngành mà còn được phát hành rộng rãi ra các cơ quan khác. Đội ngũ Biên tập viên, Phóng viên lúc đó có các anh, chị: Phạm Xuân Chiến, Trần Văn Nam, Hoàng Phương Hồng, Bùi Sim Sim, Hoàng Công Huấn và người làm công tác trị sự là chị Nguyễn Lệ Thủy, đã tập trung cho việc đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng ấn phẩm. Tạp chí Kiểm sát đã được toàn Ngành và các cơ quan tư pháp lúc đó đón nhận bởi nhiều thông tin khoa học bổ ích.

Từ năm 1993 đến năm 1997, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát là Nhà báo Nguyễn Đình Quế, Phó Tổng Biên tập là Nhà báo Trần Đình Khai. Từ năm 1997 đến tháng 7 năm 1998, Quyền Tổng Biên tập là anh Trần Đình Khai, Phó Tổng Biên tập là anh Phạm Huỳnh Công. Đội ngũ Biên tập viên, Phóng viên là các anh chị Phạm Xuân Chiến, Trần Văn Nam, Hoàng Phương Hồng, Hoàng Công Huấn và Hoàng Thế Anh. Công việc trị sự của Tòa soạn vẫn do chị Nguyễn Lệ Thủy đảm trách. Không chỉ đơn thuần về khoa học nghiệp vụ kiểm sát, Tạp chí Kiểm sát đã có nhiều bài viết sắc bén phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian 10 năm (từ tháng 8 năm 1998 đến tháng 7 năm 2008), Tổng Biên tập là nhà báo Lại Hợp Việt, Phó Tổng Biên tập là các anh Phạm Xuân Khánh, Phạm Xuân Chiến, Trần Văn Nam; sau này có thêm anh Nguyễn Nông và Nguyễn Ngọc Khánh. Đội ngũ Biên tập viên, Phóng viên là các anh, chị: Phạm Xuân Chiến, Trần Văn Nam, Hoàng Phương Hồng, Hoàng Công Huấn, Hoàng Thế Anh, Nguyễn Như Hùng, Hà Thị Quế, Nguyễn Hương Nhung, Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Văn Thảo và anh Lý Văn Chính... Công tác trị sự, hành chính do chị Nguyễn Lệ Thủy phụ trách cùng đội ngũ cộng sự là các anh, chị: Đặng Quỳnh Thi, Nguyễn Hồng Thiện, Nguyễn Thị Mai Anh, Đoàn Thị Thanh Bằng, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Thùy Linh… Đây cũng là thời kỳ khởi sắc của Tạp chí Kiểm sát với phương châm “Đem đến cho người đọc những gì bạn đọc cần chứ không phải những gì Tòa soạn có”. Tạp chí Kiểm sát đã có các Phòng chuyên môn như Phòng Biên tập - Tuyên truyền và Phòng Trị sự - Hành chính. Tạp chí Kiểm sát đã tăng kỳ phát hành (1 tháng 2 số), tăng lượng phát hành từ 3.000 cuốn lên 7.000 cuốn/kỳ và có nhiều số chuyên đề nghiệp vụ. Tạp chí Kiểm sát đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nghiệp vụ và đã trở thành diễn đàn thông tin khoa học nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân với một đội ngũ Cộng tác viên là các nhà khoa học pháp lý và các chuyên gia thực tiễn có uy tín trong khối Tư pháp. Nhà báo Lại Hợp Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát được anh em trong Tòa soạn gọi là “Người say mê sưu tầm và lưu trữ tư liệu về ngành Kiểm sát nhân dân”. Anh đã dùng tiền cá nhân của mình để thay đổi máy chụp ảnh tới 7 lần và đã 4 lần thay máy tính để bàn, 5 lần thay máy tính xách tay để sưu tầm, biên soạn và lưu trữ tư liệu phục vụ việc làm báo của Ngành. Thời gian làm Tổng Biên tập, hàng trăm bức ảnh tư liệu quý đã được anh chỉ đạo sưu tầm, phục chế để làm báo và trở thành những tư liệu quý của ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong thời gian này có hai sự kiện báo chí quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân. Đó là việc chính thức phát hành Bản tin Kiểm sát trong ngành Kiểm sát nhân dân (ngày 15/8/2000) và Báo Bảo vệ pháp luật - Cơ quan ngôn luận của ngành Kiểm sát nhân dân ra số đầu tiên và phát hành rộng rãi trên toàn quốc (ngày 24/12/2002). Như vậy, từ năm 2002, ngành Kiểm sát nhân dân đã có hai cơ quan báo chí song hành là Tạp chí Kiểm sát và báo Bảo vệ pháp luật. Sau đó đến tháng 7 năm 2007, Trang Thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chính thức đi vào hoạt động. Từ năm 2002, các Nhà báo của ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thông tin ngày một nhiều hơn, kịp thời hơn với chất lượng ngày càng tốt hơn phục vụ nhu cầu bạn đọc.

Từ năm 2002 đến nay, báo Bảo vệ pháp luật đã qua 3 thế hệ Tổng Biên tập. Đầu tiên là Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện kểm sát nhân dân tối cao kiêm nhiệm vụ Tổng Biên tập, hai Phó Tổng Biên tập là các anh Phạm Xuân Chiến, Đỗ Xuân Tựu. Tổng Biên tập tiếp theo là anh Trần Đình Khai, có hai Phó Tổng Biên tập là các anh Phạm Xuân Chiến, Vũ Điệu. Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật hiện nay là anh Phạm Xuân Chiến, có hai Phó Tổng Biên tập là anh Hoàng Thế Anh và chị Phan Thị Kim Hoa. Do sự nỗ lực của Ban Biên tập và các anh chị trong Tòa soạn, báo Bảo vệ pháp luật không những được cả ngành Kiểm sát đón nhận, mà còn đứng vững trong làng báo chí Việt Nam hiện nay. Báo Bảo vệ pháp luật có đủ các Phòng nghiệp vụ và có Cơ quan đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài số định kỳ (mỗi tuần phát hành 3 kỳ), báo Bảo vệ pháp luật còn có số chuyên đề cuối tháng. Mới ra đời trên 10 năm nhưng báo Bảo vệ pháp luật đã vững vàng, chững chạc và có nội dung phong phú. Từ năm 2012, báo Bảo vệ pháp luật online đã được truy cập ngày một nhiều. Những thông tin về kinh tế, xã hội và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, luôn được báo Bảo vệ pháp luật cập nhật kịp thời và đảm bảo độ tin cậy.

 

Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC trao Bằng khen của Chính phủ cho báo Bảo vệ pháp luật.
Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC trao Bằng khen của Chính phủ cho báo Bảo vệ pháp luật.


Để có những kết quả đó, những cán bộ Kiểm sát làm báo ở báo Bảo vệ pháp luật đã cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn để có những bài viết hay, những tấm ảnh đẹp. Những chuyến đi “lên rừng xuống biển” của các phóng viên đều đem lại những bài viết hay, những bức ảnh quý. Phóng viên khi được giao nhiệm vụ “săn tin Ngành” thì yếu tố kịp thời, đầy đủ, chính xác luôn đặt cho phóng viên những yêu cầu rất khắt khe của nghề báo và nghề Kiểm sát. Nhà thơ Bùi Quang Thanh đã có một thời gian dài làm báo Bảo vệ pháp luật. Những tin, bài của anh luôn mang tính thời sự và đặc biệt là những bức ảnh của anh đưa về Tòa soạn luôn có chất lượng tốt và mang đậm chất nghệ thuật.

Trong những người làm báo của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và của báo Bảo vệ pháp luật nói riêng, có những người ít khi thấy xuất hiện tên trên mặt báo; nhưng nếu thiếu họ thì sẽ không thể có những bài viết đã được chắt lọc đem đến cho người đọc thưởng thức. Đó chính là những người làm công tác biên tập của Tòa soạn. Việc biên tập không đơn giản, vì người biên tập phải “trông trước, trông sau, trông lên, trông xuống”, phải nhìn, phải nghe để trau chuốt lại bài của các Cộng tác viên sao cho “xuôi buồm mát mái” mà lại hấp dẫn người đọc.

Tại báo Bảo vệ pháp luật và Tạp chí Kiểm sát, có những người không được cấp Thẻ Nhà báo, song lại không thể thiếu vắng họ trong công việc hàng ngày của Tòa soạn. Đó là những người làm công tác trị sự, hành chính, phát hành quảng cáo, là những người làm công tác tài chính, kế toán và những nhân viên khác như lái xe, phát hành… Họ vẫn cần mẫn làm việc hàng ngày, để guồng máy của Tòa soạn vẫn chạy nhịp nhàng. Không được phụ cấp nghề nghiệp như các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, nhưng họ vẫn hăng say làm việc và nhiều khi làm cả ngoài giờ hành chính, hoặc những ngày nghỉ hàng tuần; nhất là các nhân viên chế bản. Qua con chuột máy tính di đi, di lại trên bàn máy, những trang báo đã được chế bản hợp lý, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Không thể nói hết công việc của các Phóng viên, Biên tập viên, Nhân viên Tòa soạn trong bài báo này, song phải nói rằng, trong một Tòa soạn họ luôn là một khối hành động thống nhất và nhịp nhàng với nhau để báo lên khuôn, in và phát hành đều đặn.

Lại một năm nữa kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đến với các Nhà báo của ngành Kiểm sát nhân dân. Các Nhà báo Kiểm sát đã thành công khi trong các anh, các chị luôn có bầu nhiệt huyết với nghề, với Ngành. Các Nhà báo Kiểm sát là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Xin chúc mừng và chúc các anh, các chị luôn mạnh khỏe, gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp và công việc làm báo của mình trong ngành Kiểm sát nhân dân.
 

Minh Đạo