Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị trong ngành KSND vừa được VKSNDTC tổ chức, một trong những nội dung quan trọng đã được nhiều đại biểu nêu lên, đó là việc thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và về Cơ quan điều tra (CQĐT) của VKSNDTC... Báo BVPL trích đăng một số ý kiến tâm huyết tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra VKSNDTC cho biết, quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết 49, trong những năm qua, CQĐT VKSNDTC đã tăng cường đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đã tham mưu cho lãnh đạo VKSNDTC ban hành Quy chế số 1169/2010/VKSTC-C6 ngày 19/8/2010; đồng thời xây dựng “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC theo yêu cầu CCTP” nhằm tăng cường năng lực hoạt động thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nguồn gốc phát sinh trong hoạt động tư pháp. Lãnh đạo CQĐT đã thực hiện ba khâu đột phá, đó là: Đổi mới công tác tiếp nhận, thu thập thông tin vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền; nâng cao chất lượng, số lượng điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền, đảm bảo việc khởi tố điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chống làm oan. Đặc biệt là chống bỏ lọt tội phạm; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân, thực hiện tốt hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra.
Liên quan đến ý kiến cho rằng, trong tiến trình CCTP về thu gọn đầu mối CQĐT thì nên bỏ CQĐT của VKSNDTC, ông Khoa bày tỏ quan điểm, theo nội dung tinh thần Nghị quyết số 49 thì Đảng ta chỉ định hướng sắp xếp lại tổ chức các CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối, theo hướng cấu trúc lại các CQĐT, giữ nguyên mô hình cũ, không xóa bỏ CQĐT nào. Trong khi đó, ngành KSND chỉ có một CQĐT duy nhất là CQĐT VKSNDTC được tổ chức nhằm bảo đảm cho VKSND thực hiện tốt chức năng công tố. Vì vậy, quan điểm cho rằng nên bỏ CQĐT VKSNDTC là không đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng ta về CCTP. Bên cạnh đó, cần thiết phải tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức CQĐT, VKSNDTC như hiện nay, bởi lẽ, qua đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp trong những năm qua cho thấy, chủ thể của loại tội phạm này là những người có hiểu biết, có kiến thức pháp luật, có nhiều mối quan hệ nên có những phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu hành vi phạm tội nhằm trốn tránh pháp luật rất tinh vi nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn, loại tội phạm này đã xâm phạm đến khách thể rất quan trọng, đó là sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp... Do đó, cần thiết phải có CQĐT chuyên trách để đấu tranh đối với loại tội phạm này. Thêm vào đó, lịch sử cho thấy, tiền thân của CQĐT VKSNDTC do Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập từ ngày 18/4/1962, đến nay đã 51 năm; là một trong ba CQĐT chuyên trách, có bề dày nhiều năm kinh nghiệm điều tra loại tội phạm này và đã đạt kết quả cao, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp. Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát đã quan tâm đổi mới, tăng cường năng lực tổ chức hoạt động của CQĐT nên đã thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đã thực hiện đúng quan điểm tư tưởng của Đảng với mục tiêu tăng cường sự phối hợp, phân công và kiểm sát quyền lực trong hoạt động tư pháp… Như vậy, có thể khẳng định rằng, ngành KSND Việt Nam có tổ chức bộ máy CQĐT là một thực tế khách quan, cũng là ý Đảng, hợp lòng dân; đồng thời phù hợp với mong muốn của toàn bộ cán bộ, công chức ngành KSND.
Về vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC đáp ứng yêu cầu CCTP, ông Nguyễn Tiến Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, tổng kết thực tiễn hoạt động cho thấy chủ trương của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSNDTC về đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC trong thời gian qua là đúng và trúng vấn đề, đã góp phần quan trọng thực hiện tốt mục tiêu và Nghị quyết 49-NQ/TW đã đề ra. Kết quả đó càng khẳng định, cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, so với yêu cầu, nhiệm vụ và kỳ vọng của nhân dân trước yêu cầu CCTP thì tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, cần phải được tháo gỡ và có bước đột phá, nhất là 2 vấn đề, đó là: cần có nhận thức thống nhất VKSND là cơ quan của Đảng, Nhà nước ta, trực thuộc Quốc hội, thay mặt và giúp Quốc hội thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp. Trong đó, hoạt động của CQĐT VKSNDTC là sức mạnh của ngành KSND bảo đảm mọi tội phạm đều phải được phát hiện, khởi tố và xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”; cần đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam và cách làm của nhiều nước trên thế giới. Không có luận cứ nào thuyết phục bằng kết quả hoạt động của CQĐT trong thực tiễn. Do đó, hoạt động của CQĐT không chỉ góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của VKSND, mà còn đáp ứng sự tin cậy của Đảng, mong mỏi của nhân dân, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp và thúc đẩy mạnh mẽ CCTP ở nước ta.
Cũng theo ông Sơn, để việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC đáp ứng yêu cầu CCTP cần bảo đảm sự thống nhất chỉ huy từ Trung ương đến khu vực; thẩm quyền điều tra phải được nhận thức thống nhất và mở rộng thẩm quyền điều tra đến các tội phạm về tham nhũng; CQĐT phải có các biện pháp nghiệp vụ điều tra đặc thù và được trang bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện để phát hiện, xử lý tội phạm.
P.V (lược ghi)