(BVPL) - Thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật tổ chức VKSND năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) kể từ năm 2002, VKSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung). 

 


Chức năng kiểm sát hành vi được giao về cho cơ quan Thanh tra, thực tiễn cho thấy cơ quan này chỉ kiểm tra, thanh tra có tính chất hành chính, bó hẹp trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, chưa thể bao quát hết được các lĩnh vực, hơn nữa, thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng không phải là cơ quan giám sát có tính quyền lực từ bên ngoài vào như hoạt động giám sát của Quốc hội hay hoạt động kiểm sát của VKSND theo sự phân công của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nên hiệu quả còn rất hạn chế, nhiều lĩnh vực thanh tra không làm chuyển biến được tình hình mà trái lại, hiệu lực thanh tra không như mong đợi…

Chức năng kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật được giao cho cơ quan tư pháp đảm nhiệm đã không kiểm soát được tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vì lợi ích cục bộ ngành, địa phương, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội còn nhiều hạn chế do không có bộ máy chuyên trách, mới chủ yếu tập trung giám sát tiến độ ban hành và số lượng ban hành, chứ chưa đi sâu vào nội dung cụ thể của từng văn bản. Chỉ tính trong vài năm gần đây, nhiều bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, có dấu hiệu vi phạm quyền dân sự của công dân, không khả thi, cá biệt còn mang tính quản lý theo dạng cấm đoán.

Chức năng kiểm sát trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, một lĩnh vực trước đây thuộc công tác kiểm sát chung của VKS thực hiện rất hiệu quả, song đến nay cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hoạt động giám sát việc xử lý vi phạm hành chính chủ yếu được giao cho chính các cơ quan hành chính thực hiện, thông qua cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc cơ chế tự kiểm tra, mang tính nội bộ, thiếu cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống, do đó, chưa bảo đảm tính khách quan của quá trình xử lý. Đã xảy ra nhiều trường hợp xử phạt không đúng pháp luật, bỏ lọt tội phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước, cá nhân gây ra các khiếu kiện hành chính kéo dài, vượt cấp như thời gian qua.

Từ thực tiễn qua 10 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) cho thấy, việc VKS không thực hiện chức năng kiểm sát chung trong khi chưa có cơ quan Nhà nước nào được phân công đảm nhiệm chức năng này, đã dẫn đến sự buông lỏng về giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước, nhiều vụ án kinh tế gây thiệt hại đặc biệt lớn, nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành không đúng thể thức và thẩm quyền, thậm chí không phù hợp với pháp luật, không khả thi nhưng không được phát hiện, kiến nghị khắc phục. Nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước quan trọng bị buông lỏng, gây tác động tiêu cực cả trước mắt lẫn lâu dài như: quản lý đất đai, nhất là quản lý đất trồng rừng ở các khu vực biên giới, khu vực phòng thủ lại giao cho người nước ngoài thực hiện, việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn để xảy ra nhiều lãng phí, thất thoát nghiêm trọng; Công tác quản lý xã hội, quản lý kinh tế còn nhiều sơ hở, bất cập, tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm tái diễn… đã và đang tạo nên nhiều bức xúc trong nhân dân.

Cùng với việc xây dựng chế định Hội đồng Hiến pháp, trong lần sửa đổi Hiến pháp này đề nghị cần giao cho VKSND quyền kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp Bộ để đảm bảo pháp luật được thực thi thống nhất, hạn chế những hậu quả lớn do việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật ở cấp Trung ương.
 

PV (lược ghi)

.