(BVPL) - Ngày 8/4/2014, Hội nghị trực tuyến toàn ngành KSND về công tác Kế hoạch - Tài chính hai năm (2012-2013) đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC.
|
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Báo cáo tổng kết công tác Kế hoạch - Tài chính ngành KSND hai năm (2012-2013) của VKSNDTC cho thấy, năm 2012 và năm 2013, ngành KSND có nhiều nhiệm vụ mới phát sinh, yêu cầu giải quyết nhanh, gấp, đòi hỏi tăng kinh phí để thực hiện. Trong tình hình đó, VKSNDTC đã xác định công tác Kế hoạch - Tài chính phải tạo bước đột phá để tăng cường nguồn kinh phí hoạt động của Ngành. Vụ Kế hoạch - Tài chính đã chủ động, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Viện trong việc tạo mối quan hệ phối hợp đi vào chiều sâu và có hiệu quả với các cơ quan Trung ương, từ đó giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc của Ngành, đặc biệt là về vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, VKSNDTC và Bộ Tài chính đã có Công văn liên tịch về việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan VKSND từ ngân sách địa phương. Chủ tài khoản VKSND cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực, chủ động làm việc với Hội đồng nhân dân các cấp để ra nghị quyết làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân các cấp hỗ trợ kinh phí cho đơn vị. Việc hỗ trợ của các địa phương chưa nhiều nhưng bước đầu đã giúp cho các đơn vị trong Ngành tăng cường kinh phí phục vụ hoạt động.
Nhờ sự chủ động, tích cực của VKSND các cấp từ Trung ương đến địa phương nên kinh phí cấp cho Ngành năm 2012, 2013 đều tăng hơn 20% so với năm trước, nguồn kinh phí quản lý hành chính cơ bản đã đáp ứng được thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của toàn Ngành. Cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cán bộ được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, với chủ trương “Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở” trong hai năm 2012 - 2013, VKSNDTC đã có nhiều biện pháp đổi mới trong chỉ đạo, điều hành về công tác Kế hoạch - Tài chính như: Đổi mới nội dung và phương thức thực hiện trong quy trình tổ chức xét duyệt, thẩm định quyết toán chi ngân sách Nhà nước; đổi mới trong công tác thảo luận dự toán ngân sách hàng năm; tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư... với sự đổi mới đó, hiệu quả thể hiện rõ nét trong công tác Kế hoạch - Tài chính của Ngành.
Để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Ngành, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp, công tác Kế hoạch - Tài chính năm 2014 và những năm tiếp theo cần tập trung giải quyết tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 01 của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành KSND năm 2014, đảm bảo quản lý và sử dụng kinh phí được giao tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Ngành. Tiếp tục trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền các Đề án nhằm tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí; phát huy tối đa mọi nguồn lực hiện có, đồng thời chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo VKSNDTC làm việc với các bộ, ngành, tạo cơ chế nhằm tăng cường nguồn kinh phí, kịp thời giải quyết những khó khăn của Ngành... Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Chủ tài khoản, Chủ đầu tư mà trước hết là trách nhiệm tham mưu, giúp việc của đội ngũ cán bộ làm công tác hậu cần, tài chính... Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính về điều hành chi ngân sách Nhà nước năm 2014 và những năm tiếp theo, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách; tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tài chính, kế toán trong Ngành, đặc biệt là đội ngũ kế toán cấp huyện, cán bộ làm công tác về đầu tư xây dựng, từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động công tác Kế hoạch - Tài chính cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, tồn tại trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán và điều hành ngân sách Nhà nước; công tác đầu tư xây dựng; công tác tài chính kế toán; công tác quản lý tài sản và trang phục Ngành; công tác chính sách tài chính; việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Đồng thời, thảo luận tập trung vào một số nội dung như: tình hình phân bổ ngân sách trong 2 năm, những thuận lợi, khó khăn trong việc chi tiêu phục vụ công tác, việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2015; những vướng mắc, đề xuất trong mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và may sắm trang phục, trong đầu tư xây dựng; trong việc thực hiện Quyết định số 09 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Quyết định số 140 ngày 21/10/2008 sửa đổi, bổ sung Quyết định 09; trong việc thực hiện các chế độ, chính sách…
V.T