(BVPL) - Vừa qua, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành KSND góp ý kiến vào dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ, Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004. Sau 9 năm thi hành Luật Phá sản năm 2004 đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy đến nay Luật Phá sản đã bộc lộ một số hạn chế, tác động tiêu cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã, một số quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng… Chính vì thế, theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm thì việc sửa đổi Luật Phá sản là cần thiết và cấp bách và việc VKSNDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm lấy ý kiến trong toàn Ngành góp ý vào dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) là thực sự cần thiết và thể hiện trách nhiệm cao. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm mong rằng, qua Hội nghị sẽ thu được những ý kiến có chất lượng của ngành Kiểm sát đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu và VKS các địa phương đã đóng góp ý kiến đối với nhiều nội dung của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), đồng thời đã tập trung đi sâu vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong dự thảo Luật. Theo đó, những nội dung mà các đại biểu đề cập gồm các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản; đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; đề nghị xem xét lại, kiến nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý đối với những nội dung trong dự thảo Luật đang còn ý kiến khác nhau như về đối tượng áp dụng; về quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản; về chế định Quản tài viên; về xác định tiền lãi đối với các khoản nợ…         
 

P.V

.