(BVPL) - Báo cáo công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, VKSNDTC phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC trình bày báo cáo công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012. Ảnh: TTXVN |
Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được nâng lên rõ rệt, mặc dù số lượng và tính chất các loại án hình sự tăng và phức tạp hơn năm 2011. Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra có những chuyển biến tích cực; Viện kiểm sát các cấp đề cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định về bắt, tạm giữ, tạm giam, kiên quyết hủy bỏ những biện pháp tạm giam không có căn cứ; kịp thời trả tự do các trường hợp tạm giữ, tạm giam trái pháp luật. Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam và việc thực hiện các thủ tục về tạm giữ, tạm giam; số cuộc kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam và số kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, xử lý vi phạm đều tăng, góp phần quan trọng bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam của cơ quan chức năng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam được tôn trọng; các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam và thi hành án được thực hiện nghiêm túc.
Viện kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; đồng thời yêu cầu khởi tố, trực tiếp khởi tố nhiều bị can, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Số kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, xét xử, thi hành án và các cơ quan, tổ chức khắc phục vi phạm, tuân thủ pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm tăng so với cùng kỳ. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên các cấp ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng làm hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC tuân thủ các quy định pháp luật và có đóng góp quan trọng để xây dựng các cơ quan tiến hành tố tụng trong sạch, vững mạnh. Công tác điều tra thực hiện đúng quy định của pháp luật; tiến độ điều tra nhanh, tỉ lệ các vụ án tham nhũng cao; không xảy ra đình chỉ điều tra bị can hoặc Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Ngành Kiểm sát tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ trong nước và quốc tế; khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Kiểm sát. Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VKSNDTC chủ trì thực hiện đúng tiến độ dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung); chủ trì, phối hợp xây dựng nhiều thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiến hành đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự song phương với các quốc gia; thực hiện nhiều dự án quốc tế nhằm tăng cường năng lực xây dựng, thực thi pháp luật…
Xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu thực hiện trong năm 2013 của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSNDTC chỉ rõ, toàn ngành Kiểm sát phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà và hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát. Thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đề cao kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, mở rộng hợp tác quốc tế.
Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung), Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung); tích cực phối hợp với các ngành xây dựng luật và các thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành pháp luật. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm sát; đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Trường Đại học Kiểm sát để chủ động trong việc đào tạo và tạo nguồn tuyển dụng cán bộ. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện các quy định pháp luật để thực hiện tốt hơn các yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; triển khai hiệu quả các dự án quốc tế...
Xem xét việc đánh giá tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn
Sáng 23/10, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn. Theo đó, các nội dung cơ bản làm căn cứ cho việc đánh giá tín nhiệm là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với từng chức danh cụ thể và tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.
Việc xử lý và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện cụ thể như sau: người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế. Trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.
Đối với người có hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Các trường hợp phải bỏ phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu cũng được đề nghị sửa đổi, bổ sung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi xảy ra một trong các trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; khi có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Trường hợp người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Ngọc Đức
|
Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư
Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Báo cáo nêu rõ, để nâng cao chất lượng luật sư, từng bước bảo đảm mặt bằng chung giữa luật sư với các chức danh tư pháp thì cần chuẩn hóa việc đào tạo nghề luật sư, theo đó, thời gian đào tạo nghề luật sư cần được điều chỉnh để cân đối với chương trình đào tạo nghề của các chức danh tư pháp như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Luật sư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng, quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng như đối với các chức danh tư pháp (tăng 6 tháng so với trước).
Bên cạnh đó, để bảo đảm thống nhất quy định của pháp luật về tố tụng và góp phần nâng cao chất lượng tập sự của luật sư, Điều 14 và Điều 27 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, bổ sung các quy định cụ thể cho phép người tập sự hành nghề luật sư được tham gia cùng với luật sư hướng dẫn trong quá trình tố tụng nếu được sự đồng ý của khách hàng và sự chấp nhận của cơ quan tiến hành tố tụng.
Dự thảo mới nhất Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư trình Quốc hội lần này đã bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư; không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Dự thảo cũng nêu rõ, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do khi từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc giấy chứng nhận tham gia tố tụng; sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi, điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định các biện pháp xử lý đối với luật sư nước ngoài vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong quá trình hành nghề tại Việt Nam.
Cho ý kiến về thời gian tập sự của luật sư từ đó đúc rút kinh nghiệm thực tế cũng như kỹ năng hành nghề đối với luật sư, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cho rằng, thời gian tập sự hành nghề luật sư phải dài hơn thời gian đào tạo lý thuyết.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng, việc cấp, sử dụng, thu hồi thẻ hành nghề đang được Bộ Tư pháp quản lý khá chặt chẽ, không cần thiết sửa đổi theo hướng cứ 5 năm cấp lại một lần. Tương tự, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa án hình sự cho luật sư cũng có nhiều phiền hà; thời gian cấp giấy theo quy định ít khi được bảo đảm, có trường hợp hàng tháng sau khi bị khởi tố, bị can cũng chưa được tiếp cận luật sư.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, nên bỏ quy định cấp giấy này, còn nếu giữ thì phải bổ sung quy định xử nghiêm mọi hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, trì hoãn việc luật sư tiếp xúc với nghi can.
Đức Thắng
|
PV (lược ghi)