(BVPL) - Tiếp nối các hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), để có những luận cứ khoa học cho việc xác định các định hướng xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), mới đây, VKSNDTC đã phối hợp với Dự án “Chương trình đối tác tư pháp” tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số định hướng sửa đổi Luật Tổ chức VKSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”…
 

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phát biểu chỉ đạo Hội thảo.


PGS,TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) dự và chỉ đạo Hội thảo. Dự và chủ trì Hội thảo có TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Tham dự Hội thảo còn có Trung tướng Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQS Trung ương, Ủy viên Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi); ông Jacob Gammelgaard, chuyên gia cao cấp, đại diện Dự án “Chương trình đối tác tư pháp”. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các đơn vị trực thuộc VKSNDTC và VKSQS Trung ương; đại diện VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định và Hòa Bình; các thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), các chuyên gia, các nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) nhấn mạnh: Trong 10 năm qua (từ khi thực hiện Luật Tổ chức VKSND năm 2002), với sự hoàn thiện của pháp luật về từng lĩnh vực công tác, với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được kiện toàn một bước về số lượng, trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, VKSND đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, khẳng định vai trò là một thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, trở thành chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tổ chức và hoạt động của VKSND, cùng với việc sửa đổi các quy định về VKSND trong Hiến pháp, Quốc hội khóa XIII đã giao cho VKSNDTC nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đã và đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự án Luật như: Triển khai tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011); tiến hành khảo sát thực tiễn thi hành các Luật, Pháp lệnh tại các tỉnh, thành phố; rà soát các văn bản pháp luật, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về các chủ đề gồm: Nội dung, phạm vi, chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Trách nhiệm của VKSND trong việc bảo đảm thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Nội dung các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Tổ chức và hoạt động của VKS quân sự trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Chế định Kiểm sát viên trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Các điều kiện bảo đảm hoạt động của VKS trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của VKS theo định hướng cải cách tư pháp.    


Văn Tình

.