Ngày 5/7/2013, tại TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, VKSNDTC tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 và góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) VKSND các tỉnh khu vực miền núi biên giới phía Bắc. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; Lãnh đạo và Chánh văn phòng VKSND các tỉnh trong khu vực; Các trưởng phòng nghiệp vụ và Viện trưởng VKSND cấp huyện của VKSND tỉnh Lạng Sơn.

 

 Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội nghị.


Án an ninh, ma túy diễn biến phức tạp

6 tháng đầu năm 2013, tình hình tội phạm ở các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc diễn biến khá phức tạp. Tuy có số án mới khởi tố tăng thấp hơn mức trung bình trong cả nước, song tính chất tội phạm rất nghiêm trọng, thủ đoạn tội phạm ngày càng đa dạng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 2.546 vụ án, tăng 0,16% so với cùng kỳ 2012; chủ yếu là tội phạm về ma túy (chiếm 48,5%); tội phạm xâm phạm sở hữu, trật tự quản lý kinh tế (chiếm 27,1%) và tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội ( chiếm 24%)…

Nằm trong khu vực có đường biên giới với các nước, gần tam giác vàng, là nơi sản xuất và trung chuyển ma túy đi khắp thế giới, nên khu vực này có lượng án ma túy cao, số lượng ma túy buôn bán, vận chuyển trái phép bị phát hiện rất lớn. Riêng về án ma túy đã khởi tố 1.235 vụ, chiếm 15,2% số án ma tuý toàn quốc. Điển hình như tại tỉnh Sơn La, 6 tháng đầu năm đã khởi tố 394 vụ, 522 bị can về ma túy; tại tỉnh Điện Biên, các cơ quan tố tụng khởi tố 259 vụ; 326 bị can; thu giữ trên 40 nghìn gam heroin; 2.789,72 gam thuốc phiện; 5.998 viên ma túy tổng hợp; phá nhổ 9.817ha cây thuốc phiện được người dân gieo trồng ở những nơi hẻo lánh, bên kia biên giới nước bạn Lào… Đặc biệt, có nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, có đồng phạm, vận chuyển số lượng ma túy rất lớn qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Hà Nội, Lạng Sơn để tuồn qua Trung Quốc, vì vậy phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình giải quyết.

Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt là tội Gián điệp xảy ra tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên, một số đối tượng trong nước và nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo người dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới di cư đến huyện Mường Nhé, Điện Biên, thành lập Vương quốc Mông khiến cho tình hình an ninh, tôn giáo diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lôi kéo người dân đưa ra yêu sách đòi hỏi đối với chính quyền trong việc thành lập các giáo họ, giáo xứ, xây dựng nhà thờ… Tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới với Trung Quốc vẫn diễn ra phức tạp.

Còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực

6 tháng đầu năm 2013, VKSND các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đã triển khai nhiều biện pháp để phấn đấu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm; chất lượng kháng nghị phúc thẩm đạt cao; công tác phát hiện, quản lý, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp từng bước đi vào nề nếp. Công tác tổ chức cán bộ, quản lý, chỉ đạo, điều hành có nhiều tiến bộ. Quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, quan hệ với cấp ủy địa phương được thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Qua các ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, do là những tỉnh ở giáp biên giới, đi lại khó khăn, nên cơ sở vật chất phục vụ công tác tại các huyện giáp biên giới gặp nhiều khó khăn. Điển hình như VKSND huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) giáp biên giới Việt – Lào; VKSND huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu); VKSND huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La)… Đây là những huyện mới được chia tách, còn nhiều khó khăn về kinh tế, gặp nhiều vướng mắc trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở. Trong khi đây là nơi có những điểm dễ bị các đối tượng phạm tội lợi dụng và hoạt động mạnh.

Về vấn đề nhân lực, khó khăn chung của các Viện kiểm sát trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong công tác tổ chức là tuyển chọn nguồn nhân lực công tác lâu dài phục vụ trong Ngành. Vì vậy, một số đơn vị chưa kịp rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011-2015 và 2016- 2020, có đơn vị đã xây dựng quy hoạch cán bộ nhưng chưa đảm bảo về số lượng hoặc cơ cấu. Chưa tuyển dụng đủ số biên chế được giao, chưa chuẩn bị được đủ nguồn để bổ nhiệm chức danh tư pháp và kiện toàn đủ lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp.

Trước tình trạng này, Lãnh đạo một số VKS có quan điểm, về lâu dài cần có chiến lược đào tạo cán bộ, cần có quy định đặc thù riêng cho việc tuyển dụng cán bộ kiểm sát công tác tại các tỉnh trong khu vực này. Vì hiện tại, việc tuyển dụng theo đúng yêu cầu đề ra của Ngành khi áp dụng tại các tỉnh đặc thù gặp nhiều khó khăn nên chưa tuyển dụng đủ so với nhu cầu đặt ra.

Giải đáp những khó khăn về cơ sở vật chất tại các Viện kiểm sát trên địa bàn, Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính VKSNDTC nhấn mạnh: Hiện nay, xe ô tô chuyên dụng cấp huyện, Chính phủ mới duyệt được 40% nhu cầu của các đơn vị, theo phân bổ của VKSNDTC đã có nhiều cố gắng đáp ứng cho các VKS miền núi. Mục tiêu giai đoạn từ 2016-2020, đảm bảo xe đi lại và máy vi tính cho đủ với số biên chế. Còn đối với những huyện mới thành lập, Vụ Kế hoạch tài chính đang bổ sung kinh phí để tăng lương, tăng biên chế, rà soát để xây dựng quy mô cho các đơn vị mới thành lập, cân đối kinh phí, sẽ có xem xét và hướng dẫn cụ thể cho các huyện mới thành lập ở vùng sâu, vùng xa.

Sôi nổi góp ý Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Trước khi các đại biểu góp ý, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh, việc đóng góp vào Dự thảo Luật cần xác định những thiếu sót, chưa hoàn thiện của Luật Tổ chức VKSND là nguyên nhân dẫn đến những hoạt động trong công tác của Ngành còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc góp ý cho Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) lần này cần sát với thực tế, xuất phát từ những vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của Ngành để đưa ra kiến nghị, nhằm nâng tầm công tác kiểm sát. Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật: Việc thành lập Ủy ban kiểm sát; Tuyển chọn Kiểm sát viên, trong đó đề cao hơn nữa vị trí, vai trò của các chức danh tư pháp; Việc bổ nhiệm Kiểm sát viên; Phân định thẩm quyền tố tụng với các chức danh trong cùng một cơ quan; Thẩm quyền  của VKS trong thực hành quyền công tố, hoạt động điều tra phát hiện tội phạm; Thẩm quyền của cơ quan điều tra của VKSND tối cao; Tổ chức các đơn vị cấp phòng với VKS cấp cao, cấp tỉnh…

Khắc phục khó khăn, bám sát mục tiêu

Phát biểu tổng kết Hội nghị, chỉ đạo phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh, trên cơ sở mỗi địa phương có đặc thù riêng, nhưng VKSND các tỉnh đã triển khai và đạt được kết quả tích cực, bám sát mục tiêu của Ngành đề ra. Công tác xây dựng Ngành được đẩy mạnh, chú trọng tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013, VKSND các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cần tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại và thực hiện các biện pháp nhằm “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với các họat động điều tra”; “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Tăng cường phát hiện vi phạm và kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị, khắc phục sai sót, vi phạm, bảo đảm pháp chế trong họat động tư pháp. Phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những vụ án dư luận quan tâm để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm túc hệ thống quy chế nghiệp vụ của Ngành; Kiện toàn lãnh đạo, tuyển dụng đủ nguồn nhân lực…
 

Trần Tâm