(BVPL) - Thực hiện Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), mới đây VKSNDTC đã tổ chức cuộc họp Tổ Biên tập Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) để thảo luận, thống nhất các nội dung của Bản sơ thảo Bộ luật. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu và thành viên Tổ Biên tập Bộ luật TTHS (sửa đổi) đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung trong Bản sơ thảo của Bộ luật TTHS, đồng thời đóng góp, làm rõ thêm những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: việc chia chủ thể tố tụng thành người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; về việc tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; về việc khắc phục vấn đề ủy quyền trong TTHS; về nhiệm vụ, quyền hạn của Trợ lý điều tra, Kiểm tra viên; về quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; về chế định bào chữa; về các biện pháp ngăn chặn; về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về trách nhiệm xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về việc gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về trách nhiệm thống kê, tổng hợp tình hình tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc quy định về thẩm quyền của các Cơ quan điều tra trong Bộ luật TTHS; về trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS; về nội dung quyết định khởi tố bị can; về thời điểm giao quyết định khởi tố bị can; về trách nhiệm của VKS khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra.

Đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu tại cuộc họp đối với việc xây dựng, hoàn thiện Bộ luật TTHS, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của việc sửa đổi Bộ luật TTHS là nhằm xây dựng được một Bộ luật đạt được yêu cầu, mục đích đề ra. Theo đó, Bộ luật TTHS (sửa đổi) không chỉ quán triệt được đầy đủ, đúng đắn các quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới mà còn phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân; phù hợp với thực tiễn của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…

Theo kế hoạch, sắp tới Dự thảo 1 Bộ luật TTHS (sửa đổi) sẽ được đưa ra để Ban Soạn thảo Bộ luật TTHS cho ý kiến.
 

P.V

.