(BVPL) - Trong hai ngày 12 và 13/9, tại thành phố   Đà Nẵng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng, giải pháp phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân”, với sự tham gia của lãnh đạo, phòng nghiệp vụ VKS 63 tỉnh, thành trong cả nước, VKS quân sự Trung ương, các cục, vụ chức năng VKSNDTC, Trường Đại học kiểm sát. Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng VKSNDTC và đồng chí Trần Phước Tới - Phó viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKS quân sự Trung ương chủ trì Hội thảo.
 
Trung tướng Trần Phước Tới - Phó Viện trưởng VKSNDTC; Viện trưởng VKS Quân sự trung ương điều hành hội thảo
Trung tướng Trần Phước Tới - Phó Viện trưởng VKSNDTC; Viện trưởng VKS Quân sự trung ương điều hành Hội thảo
 
Trong những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực có những diễn biến phức tạp. Tệ nạn này xảy ra ở nhiều ngành, cấp, nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghiêm trọng hơn, tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ngay trong hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật, là các cơ quan có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết 37/2012 của Quốc hội đã nêu: “Công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn có những hạn chế. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trên một số lĩnh vực có xu hướng tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô, tính chất.
 
Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa thấp. năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp còn yếu, nhiều trường hợp tiêu cực, sa sút phẩm chất đạo đức”. 
 
Thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp xây dựng đề án tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. 
 
Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội thảo
Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội thảo
 
Thực hiện chủ trương trên. Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành các quyết định số 472 và 473/QĐ-VKSTC ngày 21/11/2012 về việc xây dựng đề án“Thực trạng, giải pháp phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân” nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
 
Những năm qua, các cơ quan chức năng  đã khởi tố và thụ lý hàng trăm vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó, một bộ phận là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp. Tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp xảy ra trên tất cả các lĩnh vực, hành vi thể hiện dưới rất nhiều hình thức bao che, chạy án, đe dọa, vòi vĩnh, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bức cung, dùng nhục hình,.. 
 
Ông Trần Thanh Vân - Trưởng ban nội chính Thành ủy Đà nẵng phát biểu
Ông Trần Thanh Vân - Trưởng ban nội chính Thành ủy Đà nẵng phát biểu
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó trong quá trình tố tụng, ở nhiều vụ án, các cơ quan tư pháp đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo hưởng án treo, hoặc đình chỉ vụ án, hoặc chuyển xử lý hành chính đối với những trường hợp, hành vi mà dấu hiệu phạm tội đã rõ, những vụ án “đầu voi đuôi chuột”, hoặc dân sự hóa hình sự và ngược lại; có tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí bao che trong việc xử lý đối với cán bộ cơ quan tư pháp vi phạm; nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín và hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp. Số vụ tham nhũng, tiêu cực có nguồn gốc phát sinh từ hoạt động tư pháp được phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít, chưa tương xứng với tệ nạn này diễn ra trong thực tiễn.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
 
Việc nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, từ đó có những điều chỉnh, đưa ra những giải pháp phòng, chống hiệu quả là đòi hỏi cấp thiết, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
 
Các tham luận, ý kiến tại hội thảo tập trung mổ xẻ thực trạng, nguyên nhân của nạn tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Các đại biểu thống nhất quan điểm, nhận thức chung, cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp cần phải được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, triệt để.
 
Các đại biểu kiến nghị, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực, bản lĩnh của cán bộ tư pháp; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo độ kín kẽ, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện các điều luật, đồng thời có chính sách pháp luật để cán bộ tư pháp không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.
 
Mặt khác, cần công khai, minh bạch tối đa hoạt động tư pháp, mở rộng sự giám sát cho người dân, báo chí; tăng cường lực lượng và sự hiện diện của hệ thống cơ quan điều tra, thanh tra kiểm sát ở các vùng, địa phương. Đối với nội bộ ngành Kiểm sát cần thực hiện triệt để chức năng kiểm sát trong hoạt động tư pháp; làm tốt chức năng, trách nhiệm kiểm sát trong từng giai đoạn tố tụng, đẩy mạnh các hoạt động có tính chất phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thông qua việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí làm việc của cán bộ.
 
PV