(BVPL) - Ngày 12/5/2017, VKSND TP Hải Phòng và tổ chức Jica Nhật bản phối hợp tổ chức Hội thảo Những khó khăn, vướng mắc và cách giải quyết khi thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định  tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội.
 
Tới dự buổi Hội thảo có đại diện lãnh đạo tổ chức Jica Nhật Bản tại Việt Nam, VKSND TP Hải Phòng, Công an Hải Phòng, Toà án nhân dân TP Hải Phòng và gần 100 cán bộ, kiểm sát viên của VKSND TP Hải Phòng.
 
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo
 
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13 đã thông qua 10 đạo luật, trong đó có 7 Bộ luật, Luật trong lĩnh vực tư pháp và đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Riêng bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
 
Ngày 29/6/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của 4 Bộ luật, Luật: BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại điểm a và điểm b khoản 4.
 
Như vậy, BLHS 2015, BLTTHS 2015 bị lùi hiệu lực thi hành nhưng vẫn áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết số 109/2015/QH13 và một số quy định của BLHS 2015, BLTTHS 2015. Vì vậy, việc áp dụng các quy định này đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Theo báo cáo tổng hợp của 15 quận, huyện và 4 Phòng nghiệp vụ của VKSND TP Hải Phòng từ ngày 1/7/2016 đến 20/4/2017 trên địa bàn Hải Phòng đã vận dụng những quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015 trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự ở các giai đoạn tố tụng là 296 trường hợp.
 
Về cơ bản các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm đến việc nghiên cứu, quán triệt về việc áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều tồn tại, vướng mắc chưa vận dụng triệt để ở các giai đoạn tố tụng hoặc có vận dụng nhưng không theo dõi dẫn đến vận dụng sai…
 
Tại Hội thảo này bà Nguyễn Thú Vân – Trưởng phòng 7 VKSND TP Hải Phòng đã bài tham luận rất công phu, chi tiết và chỉ rõ về thực trạng việc áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định tại Khoảng 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13. Đó là những vướng mắc tại Điều 7, 18, 19, 29, 51, 6, khoản 2 Điều 69, 70, 72, 91, 107, 134,141,155, Điều 168 đến 180 và Điều 190 BLHS 2015.
 
Thượng tá Hoàng Văn Viên – Phó trưởng phòng PC45, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT-CATP Hải Phòng; Bà Trần Thị Thu Hà – Chán toà hình sự Toà án nhân dân TP Hải Phòng; ông Bùi Đăng Dung – Phó viện trưởng VKSND TP Hải Phòng và bà Tsukabe Takako – Công tố viên, Chuyên gia Dự án Jica đã có bài phát biểu phản ánh nhiều góc độ trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cách giải quyết khi thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13.
 
Những người tham dự Hội thảo đã thu lượn được rất nhiều kiến thức pháp luật từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tố tụng từ năm 2016 đến nay để vận dụng vào quá trình công tác của mình tại đơn vị.
 
Minh Trang