(BVPL) - Ngày 29/8/2017, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến trong toàn Ngành về “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị. 
 
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị
 
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh; đại diện TAND tối cao; Bộ Công an; lãnh đạo, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự thuộc VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự các cấp trong toàn Ngành...
 
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu VKSNDTC
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu VKSNDTC
 
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy VKSNDTC (Vụ 4) đã trình bày Báo cáo chuyên đề về “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”. Theo đó, Báo cáo đã đề cập đến thực trạng án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong 03 năm (2014 - 2016); việc trả hồ sơ để điều tra lại các vụ án ma túy liên quan đến Công văn số 234 ngày 17/9/2014; nguyên nhân, trách nhiệm của tình trạng án trả hồ sơ để điều tra bổ sung và những giải pháp hạn chế tình trạng án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm làm rõ hơn một số nội dung được đề cập trong Báo cáo đồng thời nêu lên những kinh nghiệm trong thực tiễn và các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng như: Nhóm giải pháp về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; trình tự giải quyết các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; công tác phối hợp liên ngành; công tác cán bộ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra...
 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đồng thời nêu rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong thời gian qua. Theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn, hiện nay tình hình tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật. Cùng với đó, những năm gần đây tình trạng bị can, bị cáo phản cung, chối tội cũng dẫn đến việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Mặt khác, trên thực tế một số trường hợp do pháp luật quy định không rõ ràng, cụ thể nên nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có sự thống nhất, còn có quan điểm giải quyết khác nhau. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa chính là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ còn chưa cao trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao. Với những lý do trên, đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị trực tuyến trong toàn Ngành về án trả hồ sơ điều tra bổ sung là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 
 
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSNDTC
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSNDTC
 
Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, nhằm hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cũng đã đề cập đến một số nội dung để các địa phương, đơn vị quan tâm, lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ như: Cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án. Theo đó phải lựa chọn những Kiểm sát viên có kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; có năng lực, trình độ và có tính chuyên nghiệp cao; có kiến thức hiểu biết về các hoạt động nghiệp vụ điều tra của Cơ quan điều tra, khả năng thu thập và đánh giá chứng cứ, lập luận sắc bén, có bản lĩnh nghề nghiệp và mối quan hệ phối hợp tốt với Điều tra viên và Cơ quan điều tra, với Thẩm phán và Tòa án để giải quyết những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ cần tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm, hạn chế thiếu sót dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung để có biện pháp dự báo, phòng ngừa. Mặt khác, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành và tăng cường trách nhiệm của Lãnh đạo đối với cán bộ, Kiểm sát viên trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự…
 
Một số hình ảnh tại các điểm cầu:
 




 
Văn Tình