Thực hiện Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) (sửa đổi), vừa qua, VKSNDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo chủ trì Hội thảo.
|
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận, cho ý kiến liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS (sửa đổi). Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS gồm các điều về bảo đảm pháp chế XHCN trong TTHS; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật; bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người; bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của con người; bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân; suy đoán vô tội; xác định sự thật của vụ án; bảo đảm quyền sử dụng trợ giúp pháp lý, quyền bào chữa của người bị nghi thực hiện tội phạm, người bị bắt… người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự; bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành, người tham gia tố tụng; thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Tòa án xét xử tập thể; xét xử công khai; bảo đảm tranh tụng trong xét xử; thực hiện chế độ hai cấp xét xử; giám đốc việc xét xử; bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Tòa án; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS; quyết định không truy tố trong trường hợp đặc biệt; tiếng nói và chữ viết dùng trong TTHS; trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng; phát hiện và khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội; giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật; bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra; bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong TTHS.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với việc xây dựng chương về những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS (sửa đổi). Liên quan đến việc xây dựng những nguyên tắc này, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS cần đi theo từng nhóm vấn đề gồm những nguyên tắc về đảm bảo pháp chế XHCN; những nguyên tắc về bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong TTHS; những nguyên tắc nhằm đảm bảo tính bình đẳng, khách quan và phân định rành mạch giữa các chủ thể, cơ quan và người tiến hành tố tụng; những nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
V.T