Ngày 16/7/2025, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 205/2025/QH (Nghị quyết 205) ngày 24/6/2025 của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Đồng chí Nguyễn Đức Thái - Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì hội nghị.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Đức Thái - Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị. |
Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Bộ, ngành: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND TP Hà Nội và toàn thể thành viên Tổ Biên tập Dự thảo Thông tư liên tịch.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở VKSND tối cao và trực tuyến đến các điểm cầu là VKSND các tỉnh, thành phố được chọn để tổ chức thí điểm, gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Đắk Lắk, Quảng Ninh.
    |
 |
Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng - Vụ trưởng Vụ 9, VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Mạnh Bổng - Vụ trưởng Vụ Kiểm sát án dân sự (Vụ 9), VKSND tối cao, đại diện Tổ Biên tập Dự thảo Thông tư liên tịch, cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 205 thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận vai trò chủ động, tích cực của ngành Kiểm sát trong bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nhất là đối với các nhóm yếu thế trong xã hội và lợi ích công.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành là yêu cầu cần thiết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi trong thực tiễn. Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến sâu sắc, cụ thể để hoàn thiện dự thảo Thông tư, từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho VKSND thực hiện quyền khởi kiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
    |
 |
Đại diện Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội nghị. |
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, bộ, ngành: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… cùng đại diện các vụ nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, VKSND TP Hà Nội, Đà Nẵng,... đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch.
Thay mặt Tổ Biên tập, đồng chí Đỗ Mạnh Bổng tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu đại diện các cơ quan, bộ, ngành tại Hội nghị. Đồng chí khẳng định, các ý kiến đã tập trung làm rõ nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Thông tư liên tịch như: Đối tượng áp dụng, tiêu chí xác định vụ việc VKSND khởi kiện, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 205.
    |
 |
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng nhấn mạnh, Tổ Biên tập sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu có chọn lọc, chỉnh lý dự thảo Thông tư theo hướng cụ thể, rõ ràng, bám sát yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Việc hoàn thiện Thông tư liên tịch sẽ góp phần quan trọng vào việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 205 của Quốc hội, phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong bảo vệ quyền dân sự, lợi ích hợp pháp của nhóm yếu thế và lợi ích công.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Thái - Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác chuẩn bị của Vụ 9 và Tổ Biên tập trong việc xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch. Đồng chí Nguyễn Đức Thái nhấn mạnh, Nghị quyết 205 là một bước đột phá về chính sách pháp luật, khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Viện kiểm sát trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội.
    |
 |
Đại diện TAND tối cao phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Đức Thái lưu ý, việc xây dựng Thông tư liên tịch cần bám sát quy định của Nghị quyết, đồng thời phản ánh đúng yêu cầu, điều kiện áp dụng và quy trình thực hiện trong thực tiễn. Dự thảo cần được thiết kế linh hoạt, bảo đảm cơ chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan trong từng khâu: từ phát hiện vi phạm, chuẩn bị hồ sơ đến quá trình khởi kiện và theo dõi, kiểm sát giải quyết vụ án.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Đức Thái đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn thi hành, không làm phát sinh thủ tục hành chính phức tạp, bảo đảm quyền lợi của người dân và hiệu quả quản lý nhà nước.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Đức Thái cũng đề nghị các đơn vị được chọn thực hiện thí điểm phối hợp chặt chẽ với VKSND tối cao trong việc tổng hợp khó khăn, vướng mắc khi triển khai để kịp thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, giao Tổ Biên tập tiếp tục phối hợp với Vụ 9 để hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch, bảo đảm tiến độ, chất lượng; xem xét đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao để lấy ý kiến; trình lãnh đạo Viện cho ý kiến, trước khi báo cáo các cơ quan đồng chủ trì ký ban hành.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
    |
 |
Đồng chí Phạm Hoàng Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ 9, VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị. |
    |
 |
Đồng chí Trần Xuân Huệ - Trưởng phòng 9, VKSND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. |
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Xuân Hà - Phó Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị. |
    |
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
    |
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
    |
 |
Hội nghị được trực tuyến tới các điểm cầu là VKSND các tỉnh, TP: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Quảng Ninh. |