Hoàn thiện biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Cập nhật lúc 11:33, Thứ tư, 18/09/2013 (GMT+7)
Thực hiện Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) (sửa đổi), ngày 16/9 vừa qua, VKSNDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện biện pháp ngăn chặn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Bộ luật TTHS chủ trì Hội thảo.
|
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, Viện Khoa học kiểm sát, VKSNDTC đã trình bày về các đề xuất hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật TTHS gồm các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn; về biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp; về biện pháp tạm giữ; về biện pháp tạm giam; về biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; về biện pháp bảo lĩnh; về biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Bên cạnh đó, theo Viện Khoa học kiểm sát VKSNDTC, liên quan đến chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật TTHS vẫn còn những vấn đề có ý kiến khác nhau về thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, về việc phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, về căn cứ tạm giam, về việc hủy bỏ biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, về biện pháp bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, về các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đã thảo luận, cho ý kiến liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Chương những biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật TTHS (sửa đổi). Theo đó, những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm các điều quy định về các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn; bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; tạm giữ; tạm giam; cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm. Những nội dung đề xuất giữ nguyên như hiện hành gồm các điều quy định về bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; những việc cần làm ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt; biên bản về việc bắt người; thông báo về việc bắt; thời hạn tạm giữ; chế độ tạm giữ, tạm giam; việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam; hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cho rằng, các ý kiến tại Hội thảo đã gợi nên nhiều vấn đề cần được tập hợp, tiếp thu một cách nghiêm túc để báo cáo Lãnh đạo VKSNDTC và Ban Soạn thảo. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC nhấn mạnh, việc hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật TTHS cần phải đảm bảo được sự kế thừa những nội dung vẫn còn phù hợp của Bộ luật TTHS trước đây, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm TTHS các nước nhưng phải phù hợp với đặc điểm cụ thể của mô hình TTHS nước ta. Bên cạnh đó, cần đưa những tư tưởng tiến bộ, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp vào trong Bộ luật nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh hiện nay.
P.V