Tiếp theo các hội nghị được tổ chức tại TP. Cần Thơ và tại Thừa Thiên - Huế, trong 2 ngày mùng 4 - 5/9/2013, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị án hình sự” cho VKS các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và VKS Quân sự đóng trên địa bàn. Đồng chí Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị.

Kết quả sơ kết công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự 3 năm (2004-2006) cho thấy, ở nhiều địa phương, công tác kháng nghị phúc thẩm chưa được quan tâm đúng mức, không ít địa phương trong 3 năm (từ 2004 - 2006) không có kháng nghị phúc thẩm (cả cấp tỉnh và cấp huyện), mặc dù số án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa thông qua kháng cáo còn nhiều. Những sai sót trong các bản kháng nghị phúc thẩm về hình thức và căn cứ pháp luật xảy ra còn phổ biến.

Từ sau khi có Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, nhận thức chung về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự đã được nâng lên một bước. Các Viện kiểm sát ở các cấp đều coi công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Báo cáo đánh giá sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 cho thấy, công tác theo dõi việc gửi bản án sơ thẩm và việc nghiên cứu bản án, phát hiện vi phạm để thực hiện kháng nghị phúc thẩm được nâng cao. Trong 05 năm, Tòa án 2 cấp tỉnh và huyện đã xét xử sơ thẩm tổng số 284.274 vụ án hình sự. Tòa án đã gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp 274.782 bản án, quyết định sơ thẩm hình sự, đạt 96,6%. Việc gửi bản án sơ thẩm và phiếu kiểm sát cho VKS cấp trên đã đi vào nề nếp và đạt được kết quả hết sức tích cực.    

Số kháng nghị tăng lên, chất lượng kháng nghị được nâng lên rõ rệt. VKS các cấp đã ban hành 5110 kháng nghị phúc thẩm. Những đơn vị có số lượng kháng nghị nhiều là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một số tỉnh có số kháng nghị chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số án đã xét xử phúc thẩm như: Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ninh, Bình Định,Thanh Hóa...

Về chất lượng kháng nghị đã có chuyển biến rõ rệt. Các bản kháng nghị đã phát hiện đúng, viện dẫn chính xác căn cứ pháp luật. Cách viết kháng nghị đã tốt hơn, lập luận rõ ràng, chặt chẽ hơn, do vậy những thiếu sót, hạn chế về mặt hình thức, tính thiếu căn cứ trong các bản kháng nghị dẫn đến bị cấp trên rút kháng nghị đã dần được hạn chế.

Hiệu quả từ các kháng nghị là đã khắc phục những sai sót cơ bản của Toà án cấp sơ thẩm về áp dụng điều, khoản của BLHS, về hình phạt, bồi thường thiệt hại và các vi phạm khác; khắc phục những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử

Ngoài ra, từ những kháng nghị của VKS cũng đã tập trung đấu tranh đối với một số loại tội phạm phục vụ yêu cầu chính trị như: việc xử lý nghiêm đối với loại tội về vi phạm an toàn giao thông trong xu hướng loại tội phạm này ngày càng gia tăng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thông qua kháng nghị, cấp phúc thẩm đã tăng hình phạt hoặc không cho hưởng án treo đối với nhiều bị cáo phạm loại tội này góp phần tích cực vào Chương trình an toàn giao thông quốc gia…

Kết thúc Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiển sát xét xử các vụ án hình sự có hiệu quả, cần tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kháng nghị theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại các phiên tòa nhằm bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án đúng pháp luật, kịp thời, đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm và không để oan người vô tội. VKS các cấp phải coi kháng nghị hình sự như là một tiêu chí thi đua. Tăng cường xây dựng quy chế phối hợp hiệu quả giữa VKS các cấp và giữa VKS với Tòa án…
 

Hoàng Hưng