Krông Pa là huyện có vị trí địa lý đặc thù, nằm phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, có diện tích 1.600km2 với dân số 86.000 người. Đây là huyện thuần nông và là một trong những huyện xa và khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, với nhiều dân tộc khác nhau sinh sống và chiếm tới hơn 70% dân số là người Jarai bản địa, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.

Những năm qua, Krông Pa đã có bước phát triển mạnh, đều trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng. Nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng, phát triển đa dạng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm, đặc biệt là các tội về xâm phạm sở hữu và tính mạng, sức khỏe con người.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Krông Pa thường xuyên về tận các buôn làng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhận thức được tầm quan trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, VKSND Krông Pa trong những năm qua đã thường xuyên cử lãnh đạo, Kiểm sát viên “đưa pháp luật về với buôn làng”, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật tại chỗ cho đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Đối tượng chủ yếu mà VKSND huyện Krông Pa hướng đến là người đồng bào thiểu số, các hội viên hội nông dân ở cơ sở, với ý thức và nhận thức pháp luật còn hạn chế. Do đó, phương pháp truyền đạt và tuyên truyền được lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND huyện Krông Pa đưa ra cũng rất ngắn gọn, đơn giản, dể hiểu và có ví dụ trực quan cụ thể mới đáp ứng được mục đích, ý nghĩa của việc tuyên truyền.

leftcenterrightdel
 Các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn thu hút đông đảo người dân địa phương đến theo dõi và đề nghị tư vấn pháp luật tại chỗ.

Điển hình, trong nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu, VKSND huyện Krông Pa chủ yếu tập trung tuyên truyền, phổ biến và chỉ rõ cách thức, thủ đoạn và hậu quả, ảnh hưởng của các tội Cướp tài sản, Bắt cóc chiếm đoạt tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Cướp giật tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản, Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Chỉ từ năm 2016 đến nay, các loại tội phạm này trên địa bàn huyện Krông Pa đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 92 vụ/145 bị can. Trong đó, phần lớn đối tượng phạm tội là người đồng bào thiểu số, ít học, nhận thức pháp luật thấp, hành vi phạm tội đơn giản nhưng hậu quả pháp lý phải gánh chịu rất nặng do hành vi phạm tội gây ra, như vụ án 7 bị can là thanh niên, sau khi uống rượu từ chiều đến 2 giờ sáng đã rủ nhau ra chợ Phú Túc cướp thịt heo về nhậu tiếp (năm 2017); vụ án xảy ra vào ngày 29/5/2018 do Rah Lan Yương, trú tại Buôn Chính Đơn 1, xã Ia Mlah, là đối tượng có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, đã cùng 7 đối tượng khác chặn xe chở phân bò từ hướng Đất Bằng đi Ia Mlah lấy số tiền 25.000 đồng uống rượu.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, tội phạm xâm phạm xâm phạm tình dục trẻ em ở Krông Pa có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại, khi năm 2016, 2017, mỗi năm ở địa phương chỉ xảy ra 1 vụ, thì năm 2018 đã xảy ra 3 vụ, và 6 tháng đầu năm 2019 này đã xảy ra 4 vụ.

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, VKSND huyện Krông Pa nhận thấy các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trẻ địa bàn không chỉ gia tăng về số lượng, mà tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, sự trẻ hoá trong độ tuổi của người phạm tội và người bị hại, trong đó có vụ án bị hại mới 6 tuổi.

Điển hình như vụ Rcom Pul hiếp dâm con gái ruột của mình đến có thai; vụ Kpă Lấu sinh năm 2002 hiếp dâm nạn nhân sinh năm 2011;  Nay Vượt hiếp dâm nạn nhân sinh năm 2012 …

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo, cán bộ VKSND huyện Krông Pa luôn gần gũi thân tình với người đồng bào ở địa phương.

Những lần “đưa pháp luật về với buôn làng” đó, VKSND huyện Krông Pa đã tập trung tuyên truyền, chỉ rõ nguyên nhân phát sinh, cách thức và hậu quả của loại tội phạm này, trong đó đặc biệt chú trọng phổ biến các biện pháp phòng ngừa  nhằm giúp người dân địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời những nguyên nhân, điều kiện phát sinh, tồn tại, phát triển của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tội phạm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra cũng như hậu quả, tác hại do tội phạm này gây ra.

Viện KSND huyện Krông Pa được thành lập vào ngày 7/8/1979 theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có trụ sở chính: 28 Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Tổng số cán bộ, công chức của đơn vị hiện nay là: 12 đồng chí, trong đó có 9 biên chế và 3 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68. Lãnh đạo đơn vị là: 3 đồng chí, 01 đồng chí kiểm sát viên trung cấp, 6 kiểm sát viên sơ cấp; có trình độ đại học 09 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị: 1 đồng chí. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác. Hàng năm đơn vị đã phấn đấu xây dựng đơn vị mình trở thành tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước

 

 

 

Trịnh Việt Hà