(BVPL) - Hòa trong không khí 56 năm ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo và 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2014), toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ công chức, viên chức và các học viên Phân hiệu trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh (ĐT&BDNV Kiểm sát) đã cùng ôn lại truyền thống, lịch sử vẻ vang của nhà trường. Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã tới dự và chúc mừng nhà trường.
Trong nhiều năm qua, Phân hiệu trường ĐT&BDNV Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc tổ chức nhiều khóa học nhằm trang bị cho học viên nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát, kỹ năng thực hành quyền công tố, xử lý tình huống, bản lĩnh nghề nghiệp trong thực hiện chức năng của ngành KSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của Ngành
Tại buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2014, thầy giáo Lê Viết Xuân – Phó Hiệu trưởng nhà trường đúc kết: “Nhìn lại chặng đường 36 năm qua với bao thịnh suy, thăng trầm của lịch sử nhà trường: Từ năm 1978 tiền thân là Phân hiệu Trường cán bộ kiểm sát, đến ngày 24/4/2001 được nâng lên thành Trường Cao đẳng Kiểm sát TP. Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nhà trường, được Ngành và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó nổi bật là công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên hệ chính quy, tại chức, chuyên tu tốt nghiệp cử nhân cao đẳng chuyên ngành Kiểm sát.
|
Các thầy, cô giáo nhà trường hợp xướng bài ca mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Đến ngày 25/11/2005 từ Trường Cao đẳng Kiểm sát chuyển thành Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh. Tương ứng với sự thay đổi tên gọi của nhà trường là sự ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, vị thế, công tác giảng dạy, việc làm và đời sống của toàn thể giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ thầy giáo, cô giáo vẫn miệt mài, tận tụy gắn bó với bục giảng, với sự nghiệp đào tạo của Ngành. Kết quả, nhà trường đã đào tạo được 24 khóa học có trình độ cử nhân cao đẳng kiểm sát, hệ đào tạo chính quy, chuyên tu, tại chức; đào tạo 6 khóa (KV0) cao đẳng kiểm sát hệ cử tuyển; 16 khóa nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ có bằng Cử nhân Luật được tuyển dụng vào ngành, 82 khóa bồi dưỡng về quản lý, điều hành và các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát, trong đó có 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho VKSND nước CHDCND Lào. Nhiều sinh viên, học viên được đào tạo, bồi dưỡng dưới mái Trường kiểm sát hiện đang giữ những chức vụ lãnh đạo của Ngành và ngành khác; chức danh tư pháp của VKSNDTC và VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, đóng góp to lớn cho sự phát triển của Ngành.
Để xứng tầm với niềm tin
Sự kiện Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, sẽ có quy định về tổ chức, bộ máy Trường ĐT&BDNV Kiểm sát (chuyển từ Phân hiệu trường ĐT&BDNV Kiểm sát) là bước ngoặt quan trọng, trả lại đúng tên của nhà trường, xác định vị trí pháp lý, quyết định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát, đồng thời cũng là nỗi niềm mong mỏi của toàn thể giảng viên, đội ngũ công chức, viên chức của nhà trường. Đặc biệt là sự trăn trở trong cả nhiệm kỳ Hiệu trưởng của thầy Bùi Thanh Xuân và gần ba năm trên cương vị Hiệu trưởng của thầy giáo Đinh Xuân Nam.
“Trước mắt nhà trường là thời cơ và thách thức. Thời cơ thuận lợi nhất của chúng ta đó là truyền thống tôn sư trọng đạo, một giá trị vĩnh hằng đã được thể chế hóa bằng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đồng thời Ban lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành đều quan tâm và giành những tình cảm đặc biệt, đặt niềm tin vào nhà trường. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều thách thức, mà thách thức lớn nhất là ở chính nội lực nhà trường có vượt qua được chính mình hay không (?)”.
Diễn văn của nhà trường tại Lễ kỷ niệm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua nêu rõ: Trong thời gian tới, có rất nhiều việc phải làm, Ban Giám hiệu nhà trường ý thức rằng: Một ngôi trường muốn phát triển bền vững phải có một đội ngũ giảng viên mạnh, nên nhà trường đã chọn khâu đột phá trong chương trình công tác năm 2014 và các năm sau đó là xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ. Các thầy, cô giáo trẻ hiện nay đã tự mình chọn một nghề đầy vẻ vang và vinh quang nhất, đã chọn nhà trường có triển vọng tương lai phát triển. Thế nhưng, không có vinh quang và vẻ vang nào dễ dàng đến với chúng ta, đặc biệt là đối với người thầy còn đòi hỏi cả sự cần cù, tự vươn lên trong học tập, trau dồi kiến thức, đam mê nghề nghiệp, sự tận tâm hết lòng vì học viên. Chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, sự băn khoăn của các thầy, cô giáo trẻ về tương lai phát triển của nhà trường, về nghề nghiệp và cuộc sống. Hy vọng, dưới mái trường Kiểm sát cùng sự cố gắng, giàu tri thức, niềm đam mê nhiệt huyết của tuổi trẻ và với sự giúp đỡ của thế hệ thầy, cô đi trước chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua những toan tính thiệt hơn để hóa thân thành “đời thầy” làm lên những bước đột phá chuyển mình, phát triển nhà trường lên một tầm cao mới...
Phi Sơn - Thúy Hà