leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND tỉnh An Giang (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Đoàn công tác do đồng chí Đinh Thị Việt Huỳnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang làm Trưởng đoàn, cùng thành viên là đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh An Giang.

Báo cáo phục vụ đoàn giám sát của VKSND tỉnh nêu rõ, trong năm 2023 - 2024, Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những công tác quan trọng, thường xuyên. Đơn vị đã kịp thời kiện toàn các Ban, Tổ giúp việc liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cụ thể đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học của VKSND tỉnh An Giang. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đơn vị phối hợp cùng cơ quan chức năng trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng như: Chi đoàn VKSND tỉnh đã phối hợp cùng Trại giam Định Thành thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các phạm nhân đang chấp hành án (năm 2023); phối hợp cùng Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh, các Sở, ngành, địa phương tổ chức 12 phiên tòa giả định (năm 2023 tổ chức 7 phiên, năm 2024 tổ chức 5 phiên) tại các trường học, UBND cấp xã với các nội dung tuyên truyền pháp luật liên quan đến chủ đề bảo vệ trẻ em, các hành vi bạo lực đối với trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đinh Thị Việt Huỳnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Bên cạnh đó, Hội Luật gia VKSND tỉnh phối hợp tổ chức định kỳ các buổi sinh hoạt, phổ biết pháp luật, nhất là các văn bản mới ban hành, liên quan đến công tác nghiệp vụ của ngành Kiểm sát. Trong các buổi họp giao ban hàng tuần, Lãnh đạo Viện đã lồng ghép việc phổ biến pháp luật, các văn bản có liên quan đến toàn thể công chức hai cấp Kiểm sát trong tỉnh.

Năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh tăng nhiều so với cùng kỳ; khởi tố mới 1.924 vụ 2.128 bị can, tăng 284 vụ (1.924/1.640), tăng 708 bị can (2.128 /1.420). Trong đó nhiều nhất vẫn là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu (1.094 vụ/597 bị can) và xâm phạm trật tự xã hội (633 vụ/1.202 bị can). Tội phạm về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; các đối tượng người Campuchia móc nối với đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới để vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam. Tội phạm về tổ chức, môi giới đưa người xuất, nhập cảnh trái phép vẫn còn tiếp diễn. Riêng, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 3 vụ (9/6).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ, khởi tố mới 858 vụ 1.238 bị can, giảm 97 vụ (858/955), tăng 332 bị can (1.238/906) so với cùng kỳ năm trước; chiếm tỷ lệ nhiều vẫn là các loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và xâm phạm sở hữu. Tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (tăng 60%); đặc biệt là về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Riêng nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, khởi tố mới 1 vụ 1 bị can (1/00 vụ, tăng 100%); tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 1 vụ (4/3 tăng 33,33%).

leftcenterrightdel
 Đồng chí Huỳnh Đông Bắc, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

So với những năm trước nhóm tội về xâm phạm sở hữu và xâm phạm trật tự xã hội vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các loại tội phạm, nguyên nhân do đối tượng do muốn có tiền tiêu xài nhanh chóng nên lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu để chiếm đoạt tài sản. Tại một số địa phương phát sinh nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội như: Cố ý gây thương tích, đánh bạc… Đặc biệt, phát sinh nhiều đối tượng cùng tham gia thực hiện một hành vi, tội phạm mang tính băng, nhóm; đối tượng thanh thiếu niên thực hiện hành vi phạm tội ngày càng gia tăng, nhất là thanh thiếu niên không có nghề nghiệp, là đối tượng nghiện, sử dụng ma túy.

Một số hình thức đánh bạc mới cũng xuất hiện như sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các hoạt động cờ bạc trực tuyến như: Lô đề, game bài đổi thưởng trên website fbslive.com và ứng dụng FBS, cá độ bóng đá, đá gà trực tuyến… làm cho các đối tượng lười lao động, muốn có tiền tiêu xài nhất thời tham gia đánh bạc trái phép với cách tham gia đánh bạc dễ dàng hơn và tinh vi hơn trước.

leftcenterrightdel
 Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thùy Trang phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Trước tình hình đó, VKSND hai cấp tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết nguồn tin về tội phạm, kịp thời khởi tố, điều tra xử lý hành vi phạm tội xảy ra tại địa phương. Hàng tuần VKSND hai cấp và Cơ quan điều tra Công an huyện và tỉnh tổ chức họp để bàn giải quyết các vụ, việc phức tạp nhằm tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ký kết các văn bản phối hợp trong thực hiện việc tiếp nhận giải quyết nguồn tin, điều tra án hình sự như: Quy chế phối hợp về việc thông báo hoặc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội cùng với Công an tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh; Quy chế phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, VKSND tỉnh về điều tra các vụ việc tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Trong kỳ, VKSND tỉnh cùng với ngành Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tổ chức Hội nghị “Sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 868/QCPH-LN  ngày 24/6/2022 về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm” trên địa bàn tỉnh An Giang.

leftcenterrightdel
 Phó Viện trưởng Hồ Tiến Dũng phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Nhìn chung, các cơ quan tư pháp thực hiện tốt các hoạt động tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, chất lượng công tác này được đảm bảo, thể hiện qua kết quả công tác kiểm sát năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024, không có trường hợp làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Không để xảy ra các trường hợp đình chỉ vì không phạm tội dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; không có trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội.

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Đinh Thị Việt Huỳnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiến nghị VKSND tỉnh cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

leftcenterrightdel
 Phó Chánh Văn phòng phụ trách Trần Chí Tâm phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Một là, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để có đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực thi các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ được giao trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn trên địa bàn tỉnh An Giang, nhất là trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống vi phạm, tội phạm và tệ nạn xã hội từ nay đến hết năm 2024 và những năm tiếp theo.

Hai là, có giải pháp tự kiểm tra và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng với quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ba là, đề xuất giải pháp, kế hoạch cụ thể nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong việc khắc phục những hạn chế đã chỉ ra nhằm thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đảm bảo các hoạt động kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được kịp thời, đúng quy định; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

leftcenterrightdel
 Ông Bùi Công Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh An Giang phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Bốn là, đề xuất giải pháp cụ thể trong công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan như Công an, Tòa án, Thi hành án của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phối hợp tổ chức bồi dưỡng, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhằm tạo sự thống nhất, chính xác trong cách hiểu các quy định của pháp luật cũng như nhận định về quan điểm xử lí vụ án. Từ đó, hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau.

Năm là, VKSND tỉnh phải đánh giá kết quả, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp và có kế hoạch thực hiện tốt công tác này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Sáu là, đơn vị cần đánh giá kết quả, hiệu quả trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, xử lí tố giác, tin báo về tội phạm; giám định tư pháp để có kiến nghị phù hợp.

leftcenterrightdel
 Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: Nguyễn Mạnh).

Bảy là, VKSND tham mưu hiệu quả cho cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Tám là, VKSND tỉnh và các cơ quan Công an, Tòa án cần có sự thống nhất về thời gian lấy số liệu trong viêc xây dựng báo cáo trước HĐND tỉnh tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm.

Ngoài ra Đoàn giám sát còn kiến nghị Công an, Tòa án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và VKSND cấp huyện rà soát các quy định có liên quan để có đánh giá kết quả, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của pháp luật; kiến nghị các giải pháp phù hợp, trong đó có đề xuất biện pháp, giải pháp về nguồn lực thực hiện công tác tự kiểm tra việc phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định…

Huỳnh Trần - Việt An