(BVPL) - Qua nghiên cứu những quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng tôi nhận thấy, Dự thảo Hiến pháp đã có những bước tiến bộ, phát triển mới về nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần được xem xét để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo như sau:
 


Một là, ở nước ta, quyền tư pháp là quyền phái sinh từ Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo đó, Quốc hội thành lập và giao cho các Cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án) thực hiện và hoạt động tư pháp bao gồm các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật hiện hành ở nước ta đều có một quan niệm chung, thống nhất về hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp như vậy. Do đó, việc quy định “Tòa án nhân dân… thực hiện quyền tư pháp”, tại Điều 107 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hiểu với nghĩa chỉ có Toà án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp là không chính xác, trái với các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, với các quy định của pháp luật hiện hành và không phù hợp với phương thức tổ chức quyền lực Nhà nước của Nhà nước ta, với nguyên tắc chủ đạo là “Quyền lực nhà nước là thống nhất” và “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.

Hai là, với việc bổ sung thiết chế hiến định mới là Hội đồng hiến pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước đã có bước phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những hoạt động của cơ quan nhà nước chưa được kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả, nếu không tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp.

Theo quy định tại Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Hội đồng Hiến pháp có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp. Như vậy, Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền kiểm tra, giám sát tính hợp hiến (phù hợp Hiến pháp) của các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hội đồng Hiến pháp không có thẩm quyền xem xét, giải quyết tính hợp pháp (phù hợp với các đạo luật ngoài Hiến pháp) của các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trước năm 2001, Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội - gọi tắt là kiểm sát chung, trong đó có kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành văn bản pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chính quyền địa phương… Nhưng từ năm 2001, sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Viện kiểm sát thôi không thực hiện chức năng kiểm sát chung nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Viện kiểm sát cũng không thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành văn bản pháp luật nữa. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động ban hành văn bản pháp luật được giao cho Chính phủ thực hiện. Qua hơn 10 năm thực hiện cho thấy, việc chuyển giao quyền kiểm tra, giám sát tính hợp pháp của việc ban hành các văn bản pháp luật cho Chính phủ (cơ quan hành pháp) tỏ ra kém hiệu quả. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là tính chất kiểm tra, giám sát văn bản của cơ quan chức năng thuộc Chính phủ (Bộ Tư pháp) là hoạt động kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan hành pháp theo sự chỉ đạo của Chính phủ có những bất cập so với hoạt động kiểm soát quyền lực hành pháp của cơ quan khác (cơ quan trực thuộc Quốc hội hoặc cơ quan tư pháp).

Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của Viện kiểm sát trước đây (bao gồm cả kiểm sát văn bản và kiểm sát hành vi) là hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp bộ trở xuống, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Với ưu thế về tổ chức và hoạt động: Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) thành lập, hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, không lệ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, nên Viện kiểm sát có những uy thế hơn các cơ quan khác để tiến hành các hoạt động kiểm sát có hiệu quả để kịp thời phát hiện, xác định các vi phạm pháp luật để kháng nghị, kiến nghị đối với các văn bản, hành vi trái pháp luật của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ và ở các địa phương. Hoạt động kiểm sát chung của Viện kiểm sát trong những năm trước đây đóng góp quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng cục bộ, bản vị, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ quyền con người.

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng, để thực hiện có hiệu quả một trong những nguyên tắc chủ đạo trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta là “có sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, thì cần khôi phục lại chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của Viện kiểm sát (kiểm sát chung) nhằm thiết lập thêm một thiết chế hiến định kiểm soát quyền lực có hiệu quả, góp phần khắc phục những bất cập trong cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước hiện nay.
 

P.V (lược ghi)

.