Theo báo cáo, từ ngày 1/12/2021 đến 30/11/2022, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm các lại án án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được tòa chấp nhận đạt tỉ lệ 87,9%, vượt 17,9% so với chỉ tiêu đề ra.

Đối với những vụ việc toà án cấp sơ thẩm gửi trễ bản án, quyết định, VKSND hai cấp TP HCM đã báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm 17 vụ việc, trong đó chấp nhận 12 vụ việc.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trong quá trình kiểm sát bản án, quyết định có phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, tuy nhiên chưa phát hiện hết các vi phạm. Nguyên nhân, các quy định pháp luật giải quyết án liên quan đến nhiều lĩnh vực, còn bất cập… Kiểm sát viên còn ít kinh nghiệm do mới tăng cường, bổ sung. Tình trạng thiếu nhân sự, khi có thời điểm tòa lên lịch xét xử nhiều, Kiểm sát viên luôn trong tình trạng quá tải…

Công tác kháng nghị phúc thẩm còn gặp khó khăn khi tòa án không gửi bản án, quyết định đúng hạn. Kiểm sát viên phải kháng nghị dựa trên phần tuyên án tại tòa nhưng sau đó tòa án đã chỉnh sửa, bổ sung bản án làm cho nội dung kháng nghị không chính xác; có trường hợp sau khi có kháng nghị, tòa án ra thông báo đính chính, bổ sung với một trong những nội dung Viện kiểm sát kháng nghị.

Do đó, VKSND TP HCM đề xuất, kiến nghị đối với VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quy định của LTTHS, BLTTDS và các văn bản liên quan, nhất là các bất cập, khó khăn trong việc vận dụng pháp luật. Xây dựng cơ chế để đảm bảo tòa án gửi bản án, quyết định đúng hạn, chuyển hồ sơ kịp thời khi Viện kiểm sát có yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh điều hành hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM cho rằng một số Kiểm sát viên ngại làm công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, dân sự vì áp lực án huỷ sửa, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay việc quan tâm, bố trí, đào tạo, tự đào tạo Kiểm sát viên có bản lĩnh, giỏi chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhận kiểm sát vụ việc hành chính, dân sự… được chú trọng.

Trong thời gian qua, VKSND TP HCM có tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các vụ án bị huỷ sửa. Nhưng cần phân biệt giữa tiến hành kiểm điểm quy trách nhiệm xử lý kỉ luật và làm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm. Các án huỷ sửa đều có làm thông báo rút kinh nghiệm, để làm cẩm nang cho các Kiểm sát viên nghiên cứu, đào tạo… không phải rút kinh nghiệm là kiểm diểm, phê bình.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP HCM cho biết cần xác định công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính, lao động là chỉ tiêu tiêu quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, bảo vệ pháp chế.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, công chức, Kiểm sát viên tham dự hội nghị chuyên đề.

Để nâng cao kĩ năng, lãnh đạo và Kiểm sát viên phải học, nghiên cứu kĩ các văn bản quy phạm được phát hiện thông qua các vụ án đã được chấp nhận kháng nghị, các chuyên đề, thông báo rút kinh nghiệm. “Tôi đề nghị trong thời gian tới các phòng nghiệp vụ, Phòng 9, Phòng 10 phải thường xuyên tổng hợp, ban hành các thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót vi phạm của Toà án trong quá trình kiểm sát. Đồng thời tiếp tục duy trì và trên cơ sở các vụ án đã huỷ sửa là những tư liệu để chúng ta học tập nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị. Cái này cần phải thực hiện định kỳ và liên tục 6 tháng hoặc 1 năm sẽ tổng hợp lại, Phòng 9 hoặc Phòng 10 phải chú trọng công tác tổng kết thực tiễn để thông báo rút kinh nghiệm cho các đơn vị”, đồng chí Nguyễn Đức Thái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị./.

Phi Sơn - Đại Lánh