Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực khắc phục các bất cập về vật chất, kinh phí, nhân lực để đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Đặc biệt, các bộ, ngành cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để khắc phục những bất cập trong quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, chưa khả thi, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và thi đua khen thưởng.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các quy định pháp luật hiện hành tại các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo. 

Các quy định được sửa đổi, bổ sung phải rõ ràng, cụ thể, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đối với những nội dung mới cần đánh giá kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, con người và các điều kiện cần thiết khác cũng như lộ trình thực hiện để có các quy định phù hợp bảo đảm tính khả thi.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhất là các dự án luật khó, phức tạp, có tác động lớn. 

Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần quán triệt chủ trương phân cấp, phân quyền đến các cấp chính quyền địa phương để khai thông các nguồn lực từ thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng luật; cần tổng kết toàn diện, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thông thoáng, phù hợp với thực tiễn, có lộ trình phù hợp với điều kiện, văn hóa, truyền thống của Việt Nam. 

Trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chủ trì cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất về các vấn đề còn ý kiến khác nhau; nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung các dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao, nâng cao chất lượng dự án Luật trình Quốc hội trong năm 2023.

Chính phủ đánh giá cao các Bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động triển khai xây dựng và chuẩn bị tốt các nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi); việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06/2023. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: (1) Định danh nhà giáo; (2) Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; (3) Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; (4) Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; (5) Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. 

Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện. 

Do thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật khi trình Chính phủ. 

Về Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với 4 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương, bao gồm: (1) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; (2) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (3) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; (4) Nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.

Ngoài ra, Nghị quyết còn quyết nghị các nội dung liên quan đến dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

P.V