Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3) đã phối hợp với các Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm khu vực, Ban Thanh tra VKSNDTC tiến hành kiểm tra công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (THQCT&KSXXHS) tại một số VKSND tỉnh.

Tại những đơn vị được kiểm tra có những sai phạm trong xét xử đã được chỉ ra để địa phương rút kinh nghiệm như: tình trạng lạm dụng Điều 47 BLHS và Điều 60 BLHS để vừa xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt lại vừa phạt tù cho hưởng án treo tràn lan, kể cả các hành vi phạm vào các khung hình phạt cao của điều luật do có các tình tiết tăng nặng, kết án xử phạt bị cáo khi chứng cứ chưa đầy đủ, thậm chí có trường hợp Viện kiểm sát truy tố đề nghị Tòa án kết tội xử phạt bị cáo nhưng không được chấp nhận, Tòa án đã tuyên bị cáo không phạm tội.

 

Tìm hiểu nguyên nhân, Vụ 3 thấy có một vấn đề, đó là ở các đơn vị này, trách nhiệm tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa không được đề cao. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm không được Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quan tâm thực hiện theo hướng dẫn của VKSNDTC. Với mong muốn các đơn vị này khắc phục được một số tồn tại, đại diện Vụ 3 đã có cuộc tiếp xúc ngắn với một đơn vị đã làm tốt công tác này:

Đại diện Vụ 3: Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa, cùng với Quảng Ninh, Hải Phòng là một trong những đơn vị đầu tiên và luôn dẫn đầu về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Các đồng chí có thể cho biết, kinh nghiệm về cách làm của VKSND TP. Hải Phòng về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Đào, Phó trưởng phòng Phòng 3 VKSND TP.Hải Phòng:

Năm 2011, 2012, khi có Chỉ thị của VKSNDTC, VKS Hải Phòng xác định nhiệm vụ tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm THQCT&KSXXHS.

VKS Hải Phòng có hai kế hoạch (1- về phiên tòa rút kinh nghiệm, 2- về kháng nghị phúc thẩm) do Phó Viện trưởng ký để chỉ đạo VKSND cấp huyện, nêu mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu chọn đăng ký phiên tòa. Năm 2011 đặt ra yêu cầu mỗi KSV cấp huyện, kể cả Viện trưởng phải thực hiện ít nhất một phiên tòa. Đến 2012, chỉ tiêu này tăng lên 2 phiên toà/người. Trước hết, người thực hiện phải đăng ký phiên tòa này qua hộp thư nội bộ của Ngành, gửi về Phòng 3 VKSND thành phố. Mẫu đăng kí ghi rõ đó là phiên tòa gì, phạm tội gì, theo tiêu chí nào (vị thành niên phạm tội, bị cáo không nhận tội….), KSV là ai, ngày mở phiên tòa, vụ án được lựa chọn ở giai đoạn nào (điều tra, truy tố, xét xử); về tổ chức thực hiện phiên tòa, thì KSV và lãnh đạo phải dự phiên tòa.

 

Năm 2012, mỗi KSV Phòng 3 phải dự ít nhất một phiên tòa để rút kinh nghiệm với đơn vị mình phụ trách. Phòng 3 có hướng dẫn mẫu rút kinh nghiệm trước, trong, sau phiên tòa, yêu cầu trang phục, xét hỏi như thế nào, các đồng chí VKS huyện thực hiện việc đánh giá chất lượng phiên tòa: tốt, khá, trung bình. VKSND thành phố giao cuối quý III, Phòng 3 phải xuống địa bàn VKS cấp huyện kiểm tra xem có làm không, làm như thế nào? Đơn vị nào cũng phải gắn vấn đề này với việc thi  KSV giỏi, đưa hồ sơ của từng KSV gửi về VKSND thành phố (Tổ công tác giúp việc của Hội đồng tuyển chọn KSV giỏi) để đánh giá. Khi sơ kết, tổng kết đều có đánh giá về cách thực hiện chuyên đề này. Cuối năm 2011, VKSND thành phố mở Hội nghị tuyên dương KSV giỏi có đại diện của Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC về dự. Từ đó rút ra: đây là một hình thức đào tạo có hiệu quả, thúc đẩy phong trào cải cách tư pháp trong toàn ngành.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND TP. Hải phòng:

 

Cách đây 4 năm, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, VKS Hải Phòng tổ chức hội nghị về các chuyên đề, trong đó có chuyên đề về đánh giá các tiêu chí của KSV tại phiên tòa. Qua thực hiện, đến nay, khẳng định: tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là rất cần thiết. Đây cũng là cách để đánh giá cán bộ, KSV làm công tác THQCT&KSXXHS. Khi tổ chức phiên tòa, có mời rộng rãi các Trưởng phòng nghiêp vụ của VKS thành phố, Lãnh đạo VKS thành phố tham dự, chấm điểm. Để làm tốt cần qua các bước: tiêu chí lựa chọn phiên toà; chỉ tiêu, trách nhiệm; công tác tổ chức phiên toà; rút kinh nghiệm trong phiên toà; sơ kết, tổng kết. Trong đó, rút kinh nghiệm trong phiên toà là khâu quan trọng nhất.

Đại diện Vụ 3: Đề nghị đồng chí cho biết, kết quả thực hiện trong quá trình thực hiện quy chế THQCT&KSXXHS, chẳng hạn như  về làm dự thảo đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận tại phiên tòa.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND TP. Hải phòng:

 

Hiện nay, 100% hồ sơ KSV có đề cương xét hỏi tại phiên tòa, KSV tham gia xét hỏi chiếm khoảng 90% các vụ án (tuy chất lượng còn phải bàn), kế hoạch tranh luận thì không phải vụ án nào cũng làm mà tập trung vào những vụ án phức tạp, bị cáo kêu oan. Đối với những vụ án có luật sư thì kế hoạch tranh luận được đảm bảo 100%. Chúng tôi đã dự thảo mẫu đề cương xét hỏi giúp các KSV vận dụng. Trong nhiều năm qua ở Hải Phòng, nhờ KSV làm tốt công tác xét hỏi, tranh tụng nên không có trường hợp nào VKS truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội.

Thiết nghĩ, đây cũng là những kinh nghiệm tốt để một số VKS địa phương tham khảo, vận dụng.

 

Đỗ Duy Thành

.