Mang quan điểm biện chứng để giải thích về công việc mình đã và đang làm, Luật sư Trịnh Khắc Triệu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng đã khiến tôi bất ngờ “giải mã” được những gì mình cảm nhận về ông bấy lâu mà chưa gọi được tên:

 

Đó là cái tâm và cái tài của một người đã thành công trên chính trường, và giờ đây, tạm gọi là “thương trường”. Trong không khí thân mật, ông đã cởi mở dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện đầy thú vị.

Trịnh Khắc Hiếu
Luật sư Trịnh Khắc Triệu.
 
-Thưa ông, dường như văn phòng Công ty của Luật sư Trịnh Khắc Triệu đang là địa chỉ “hút khách” ở thành phố Hoa phượng đỏ?


-Tôi về nghỉ hưu thì mở công ty luật. Từ đó đến nay, công ty hoạt động ổn định và ngày càng được khách hàng tin cậy. Có được điều đó có lẽ là do tôi có thời gian dài (32 năm) làm việc cho ngành Kiểm sát. Nhờ cái uy, cái phúc của Ngành mà tôi được thơm lây. Các cụ ta thường nói “cha mẹ hiền lành để phúc cho con”.


-Vì sao ông coi công việc hiện nay của mình giống như việc “bắt bệnh – bốc thuốc”?


-Câu hỏi này thú vị vì nó có sự liên tưởng – so sánh. Trước khi vào ngành Kiểm sát, tôi là chiến sĩ quân y. Tôi thấy giữa hai ngành này có cái gì đó giống nhau. Khi người ta bị bệnh người ta đến với bác sỹ, mong được chữa trị… Khi người ta (hoặc người thân) không may vướng vào vòng “lao lý” thì người ta tìm đến Luật sư để được biết mình (hoặc thân nhân của mình) có phải đã phạm tội như pháp luật quy định hay không? Nếu đúng là đã phạm tội thì là tội gì? Và hình phạt của tội đó như thế nào...? Trong những trường hợp như vậy thì người Bác sỹ cũng như Luật sư có vai trò hết sức quan trọng.


-Thay từ vị trí “thổi còi” sang “đá bóng”, điều gì khiến ông thấy thú vị nhất?


-Lại một câu hỏi có tính so sánh. Nhưng tôi nghĩ khác, không có sự khác biệt nào cả. Làm Kiểm sát viên không chỉ “thổi còi” khi những vi phạm xẩy ra mà Kiểm sát viên cũng phải trực tiếp “đá bóng” để mọi vụ án được tiếp cận chân lý, mọi sai sót được khắc phục kịp thời. Làm Luật sư cũng không chỉ “đá bóng” mà Luật sư cũng là người biết “thổi còi” để nhắc nhở, ngăn chặn những hành vi sai trái (nếu có) trong hoạt động tư pháp nói chung và tố tụng hình sự nói riêng.

 

Tuy nhiên tiếng còi của Kiểm sát viên bao giờ cũng có tác dụng và hiệu quả cao hơn bởi vì đây là “tiếng còi” của cơ quan Công tố Nhà nước. Với nhận thức như vậy nên tôi thấy giữa “buộc tội” và “gỡ tội” tuy hai việc khác nhau, đi theo hai nhánh khác nhau nhưng lại cùng chung một mục đích là đảm bảo sự thật khách quan, đảm bảo nguyên tắc tối thượng của pháp luật, để không ai bị oan, sai. Càng ngày người ta càng thấy sự cần thiết của “phản biện”.


-Qua những vụ án từng tham gia tố tụng với tư cách Luật sư, ông thấy việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương thế nào, và ông thấy có điều gì đáng “phàn nàn”?


-Sau 32 năm làm Kiểm sát, mới chỉ có 2 năm làm Luật sư, nên tôi chưa có nhiều tích luỹ, chưa có điều gì đáng “phàn nàn”. Các cơ quan tố tụng đã làm ngày một tốt hơn công việc của mình. Tuy nhiên tôi cũng đã bắt đầu có sự “trăn trở”, suy nghĩ về hoạt động của các cá nhân người tiến hành tố tụng. Cái dễ nhận thấy nhất là sự bất cập so với những yêu cầu của cải cách tư pháp về trình độ chuyên môn, về kỹ năng nghề nghiệp và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, và hơn hết là sự đồng cảm, chia sẻ, tôn trọng thân phận của bị can, bị cáo và gia đình họ.

-Những thuận lợi và khó khăn của một vị Luật sư khi phải tranh tụng với những người từng là cấp dưới của mình?


-Tôi chưa trực tiếp tham gia các phiên toà ở Hải Phòng, vì vậy chưa có dịp nào để “tranh tụng” với các đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, nếu có thì cũng là vấn đề bình thường; Vì lúc đó ai làm việc của người ấy, tất cả đều là bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách hiệu quả nhất mà thôi. Không có và không nên có sự suy nghĩ kiểu “gia đình”, như vậy sẽ khó làm việc và chất lượng hoạt động của hai chức năng “buộc tội” và “gỡ tội” sẽ bị hạn chế.

kiểm sát viên
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

-Cống hiến hơn 30 năm cho ngành Kiểm sát, vừa được Nhà nước cho nghỉ hưu, ông đã bắt tay ngay vào công việc “kinh doanh”, dường như ở ông sức lực vẫn đang sung mãn?


-Hoạt động của Luật sư không chỉ là “kinh doanh”, vì kinh doanh- mục tiêu đầu tiên là “lợi nhuận”, cái mà chủ doanh nghiệp hướng tới là “lợi nhuận”. Luật sư hoạt động còn mang tính xã hội nghề nghiệp, mà mục tiêu đầu tiên hướng tới là giúp đỡ thân chủ của mình được giảm nhẹ, được hưởng sự công bằng và nhân đạo của pháp luật. Đương nhiên vì là doanh nghiệp tư nhân nên phải thu phí để trang trải. Mức phí đó do Bộ Tư pháp quy định. Ngoài việc thu phí còn có việc miễn phí, giảm phí cho những đối tượng chính sách, cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Và việc này cũng thường xuyên được Công ty tôi thực hiện.


Sau khi nghỉ hưu, tôi thấy mình còn khoẻ, nên tiếp tục làm việc. Kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi. Và trong công việc tôi làm, tôi thấy gần gũi với cuộc sống hơn, gần gũi với Ngành hơn, và thấy vui hơn khi thấy mình còn có ích cho đời …


-Ông từng nói, khi “ra ngoài” làm mới thấy, đồng lương mà Nhà nước trả cho cán bộ Kiểm sát còn quá thấp, trong khi trách nhiệm thì lớn và áp lực thì nhiều. Có khi nào ông thấy tiếc, vì mình đã làm điều này hơi muộn, vì đã ngoài 60 tuổi rồi?


-Sau khi làm Luật sư, tôi có nói với một số bạn bè là lãnh đạo trong Ngành rằng: Mặt bằng lương cho cán bộ ngành Kiểm sát còn thấp quá, trong  khi trách nhiệm lại quá nặng nề. Ví dụ: Phụ cấp phiên toà cho Kiểm sát viên một ngày xét xử là 30.000 đồng; Thu nhập bình quân một tháng của một Kiểm sát viên cũng rất thấp, trong khi họ lại là người chịu trách nhiệm chính trong tố tụng. Nếu để xảy ra oan, sai, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên chính là họ. Tôi nói điều này là vì Ngành, vì bạn bè đồng nghiệp với hy vọng Nhà nước sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho Ngành, cho các Kiểm sát viên.


Tôi chưa và sẽ không bao giờ thấy tiếc nuối vì sao không làm Luật sư sớm hơn. Cuộc sống có quy luật của nó, không làm khác được. Bố tôi ngày xưa vẫn dạy tôi: “Trời không cho ai hết; cho cái này thì lấy đi cái khác, hơn thì giời triệt, thiệt thì giời bù…”.


- Sau khi nghỉ hưu, có giây phút nào ông thấy hụt hẫng và nhớ nghề?


- Đây là câu hỏi riêng tư, rất thú vị, khó trả lời. Nhưng vì là báo của Ngành, trong nội bộ “gia đình” nên tôi tâm sự thật: Mỗi người đều có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, có gia cảnh khác nhau và suy nghĩ cũng khác nhau. Với tôi việc nghỉ hưu không có gì là hụt hẫng cả. Tôi đã chuẩn bị cho việc này từ trước đó lâu rồi.


Còn việc “nhớ nghề” thì có chứ. 32 năm gắn bó với Ngành, biết bao là kỉ niệm, vui có, buồn có… Bên cạnh mình là bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới… gắn bó, chia sẻ sao mà không nhớ. Những ngày đầu về nghỉ, nỗi nhớ Ngành, nhớ nghề cứ xao động trong tôi. Nhớ đồng nghiệp, nhớ chiếc bàn mình làm việc, nhớ cả ngọn đèn bàn, đã gắn bó với mình bao năm …


-Tâm niệm của ông khi đứng trước công đường, trên cương vị một Kiểm sát viên và một Luật sư?


-Trước công đường, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Buộc tội là chức năng chủ yếu của Kiểm sát viên, còn bào chữa và gỡ tội là chức năng chủ yếu của Luật sư. Hai chức năng này đối lập nhau, nhưng cùng chung một mục đích là tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy: Đây là biểu hiện sinh động nhất của phạm trù “sự thống nhất của các mặt đối lập”. Tuy vậy, khi ra làm Luật sư, những người trước đây đã làm Kiểm sát viên thường hay có thói quen nghề nghiệp, nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh “buộc tội”, đây là điều cần khắc phục thuộc về kỹ năng bào chữa. Tôi luôn cố gắng tránh.


-Nhân ngày thành lập Ngành, ông có tâm sự gì với những người đang kế nhiệm mình?


-Sắp đến ngày kỷ niệm thành lập Ngành, dù còn đang làm hay đã nghỉ hưu, bất kỳ ai đã từng công tác trong ngành Kiểm sát, đều bồi hồi, xúc động, ôn lại từng chặng đường đã đi qua của Ngành trong đó có hình bóng của mình.


Hơn 30 năm làm việc trong ngành Kiểm sát là quãng thời gian tôi thấy hạnh phúc nhất. Ngành đã nuôi dạy tôi và tôi thấy mình đã làm được một số việc nho nhỏ cho Ngành. Tôi luôn luôn yêu Ngành, say mê với công việc của Ngành và rất muốn tiếp tục đóng góp những gì tích luỹ được cho Ngành.


 Với các bạn trẻ trong Ngành, tôi mong các bạn sẽ yêu Ngành hơn, gắn bó với Ngành hơn và làm việc có trách nhiệm hơn để chất lượng và hiệu quả công việc của Ngành ngày một cao hơn. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, Ngành ta sẽ ngày càng vững mạnh.


Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Ngành, tôi xin có lời kính chúc sức khoẻ đến các đồng chí lãnh đạo các cấp trong Ngành và toàn thể các đồng chí, bạn bè đồng nghiệp.


 -Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Trọng Ảnh