Chỉ trong năm 2011, TP HCM đã phát hiện 213 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em; 6 tháng đầu năm 2012 đã có 83 trường hợp.

 
 
Những câu chuyện đau lòng
 
Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Thu (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) nơi có cháu Trần Tuyết T. (4 tuổi) bị xâm hại tình dục (XHTD). Chị Thu kể, cách đây 3 tháng, khi đó do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng chị thường để con gái ở nhà một mình. Một hôm tắm rửa cho con gái, chị phát hiện cháu có nhiều dấu hiệu đáng nghi. Gượng hỏi mãi cháu mới kể bị đối tượng Nguyễn Văn Hiếu ở gần nhà XHTD. “Từ sau vụ việc đó xảy ra, cháu trở nên nhút nhát, sợ sệt khi tiếp xúc với người lạ. Bây giờ vợ chồng tôi phải thay phiên ở nhà với cháu”, chị Thu tâm sự trong nước mắt.
 
Đối với trường hợp của nhiều trẻ em bị XHTD tại Trung tâm Trợ giúp phụ nữ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP HCM, dư chấn về tinh thần khiến không ít em phải trải qua quãng thời gian dài chữa trị về thể chất và tinh thần. Điển hình như trường hợp của em Phạm Thị H. (ngụ quận Bình Thạnh), nạn nhân bị chính người bố dượng XHTD trong thời gian dài. Lúc vào trung tâm H. hoàn toàn không còn niềm tin vào cuộc sống, liên tục đập đầu vào tường để quyên sinh. Các cán bộ trung tâm phải mất rất nhiều thời gian mới xoa dịu vết thương về tinh thần cho em.
 
Kẽ hở pháp luật
 
Theo Sở LĐ-TB-XH, mỗi năm TP HCM có khoảng 70.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, 1.450 trẻ em phải lang thang kiếm sống, 342 trẻ làm việc xa nhà… Đây là những đặc điểm khách quan khiến trẻ em trên địa bàn thành phố có nguy cơ bị xâm hại rất cao. Độ tuổi trẻ em bị xâm hại có xu hướng tập trung ở lứa tuổi trung bình 13 - 16. Thượng tá Lê Ngọc Phương (PC45) Công an TP HCM cho biết: “Việc tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng có nhiều nguyên nhân trong đó đáng lưu tâm nhất là tình trạng trẻ em lang thang và trẻ em thiếu sự quan tâm của bố mẹ”. Đồng tình với ý kiến trên, bà Đinh Nguyễn Thiên Kim, Phó giám đốc trung tâm giám định pháp y TP HCM, cho rằng: “Không ít nạn nhân được phát hiện bị xâm hại là trẻ em bỏ nhà đi lang thang, đi bụi mà gia đình không hề hay biết”.
 
Một vấn đề khiến nhiều cơ quan chức năng gặp phải vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm XHTD trẻ em đó là thiếu quy định chặt chẽ trong luật, các chế tài xử phạt đôi lúc không tương xứng với mức độ phạm tội. Đơn cử như hiện nay luật chưa quy định hoặc bắt buộc những người phát hiện trẻ bị xâm hại phải khai báo nên nhiều trường hợp gia đình nạn nhân do lo sợ dư luận đã không trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được giúp đỡ, giải quyết. Ông Trần Công Bình, đại diện tổ chức UNICEP (Quỹ Nhi đồng LHQ) tại Việt Nam, khuyến nghị: “Nên có một bộ luật về trẻ em hoàn chỉnh giúp các cơ quan chức năng hoạt động đạt hiệu quả hơn. Như vậy, chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em mới đạt kết quả cao”.
 
 
Theo Đất Việt
.