Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Theo VKSND tối cao, bản án sơ thẩm của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM đã có nhiều vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.
|
|
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm (ảnh: Việt Dũng/BĐT) |
Cụ thể: Về đình chỉ việc rút một phần yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bị đơn). Tại phần nhận định trong bản án, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng: Ngày 18/7/2016, bị đơn có đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung là bất động sản, tài sản gửi tại ngân hàng (tiền VND, ngoại tệ, vàng), cổ phần trong các doanh nghiệp ngoài tập đoàn Trung Nguyên mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang đứng tên, ông Vũ đã đóng tạm ứng án phí và Toà án đã ra thông báo thụ lý bổ sung. Ngày 14/9/2017, ông Vũ có đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố, Tòa án cấp sơ thẩm không ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với các phần phản tố là có thiếu sót, tuy nhiên thiếu sót này có thể khắc phục, bổ sung tại phiên tòa phúc thẩm. Nhưng tại phần quyết định của bản án, Tòa án cấp phúc thẩm cũng không quyết định đình chỉ đối với các yêu cầu phản tố mà ông Vũ đã rút là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (vi phạm khoản 2 Điều 244 BLTTDS).
Về chứng thư thẩm định giá: tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn có thống nhất kết quả thẩm định giá, nhưng sau phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm đã không định giá lại theo quy định tại khoản 5 Điều 104 BLTTDS mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản cho các bên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo trình bày của bà Thảo, trong số các bất động sản là tài sản chung của vợ chồng đang tranh chấp, có một số bất động sản không phải do bà Thảo, ông Vũ quản lý. Người quản lý cũng không phải là các cửa hàng, chi nhánh hay các công ty thuộc tập đoàn Trung nguyên. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất độngsảnnàyvàothamgiatốtụng để giải quyết triệt để vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Đối với số tài sản gửi tại Ngân hàng, theo yêu cầu của ông Vũ, Toà án đã có Công văn số 6108/2018/QĐ-CCTLCC ngày 05/10/2018 yêu cầu Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam, cung cấp số dư của 23 tài khoản mang tên bà Thảo tại Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam. Kết quả, trong các tài khoản Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam có 5 tài khoản tiền EUR, 5 tài khoản tiền, 4 tài khoản tiền USD, 2 tài khoản tiền AUD, 01 tài khoản vàng, 6 tài khoản tiền VND. Trong đó, có 3 tài khoản tiền GBD có số dư 1.400.369 GBD và 3 tài khoản tiền USD có số dư là 7.350.000 USD; cả 6 tài khoản này đều mang tên Lê Hoàng Văn. Mặc dù nguyên đơn có yêu cầu đưa ông Văn vào tham gia tố tụng, nhưng Tòa án hai cấp không đưa ông Lê Hoàng Văn vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng...
Tòa phúc thẩm công nhận thuận tình ly hôn là không đúng
Bà Thảo và ông Vũ là vợ chồng, đăng ký kết hôn năm 1998. Do vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên bà Thảo xin ly hôn. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo lúc xin ly hôn, lúc xin đoàn tụ, ông Vũ lúc đầu xin đoàn tụ, sau đó xin ly hôn. Tòa sơ thẩm tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn là đúng quy định.
Sau đó, bà Thảo kháng cáo, muốn được đoàn tụ với ông Vũ nhưng ông Vũ không đồng ý. Do đó, bà Thảo và ông Vũ không còn là thuận tình ly hôn. Tòa án cấp phúc thẩm vẫn công nhận thuận tình ly hôn là không đúng.
Trong trường hợp này, nếu Tòa án cấp phúc thẩm xác định có căn cứ cho ly hôn thì sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận kháng cáo của bà Thảo về nội dung quan hệ hôn nhân, chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ về quan hệ hôn nhân để giải quyết cho ông Vũ được ly hôn với bà Thảo mới đúng.
|
|
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Sử dụng kết quả thẩm định giá không bảo đảm
Theo yêu cầu của bà Thảo, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLTTDS, Chủ
tịch hội đồng là đại diện của Sở Tài chính TP. Tại Công văn số 249/STC-BVG ngày 11/01/2018, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng cần phải thẩm định giá tài sản trước khi định giá. Tuy nhiên, Tòa án đã ký hợp đồng thẩm định giá với Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn, sau khi có kết quả thẩm định giá, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành định giá, mà sử dụng kết quả thẩm định giá và giá các bất động sản do các bên thống nhất để giải quyết vụ án là không bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự...
Tại các chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đều nêu rõ cơ sở thẩm định giá được xác định theo giá trị phi thị trường, không đúng với quy định của Thông tư liên tịch, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên làm cơ sở để chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là cũng là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.
Tại bản kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định vô hình kèm theo Chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của các Công ty nêu trên, Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty trên là thiếu sót, thế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở để chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thảo khi bà Thảo không được nhận hiện vật.
Cổ phần các công ty là hiện vật, chia được
Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo, ông Vũ đã thống nhất số bất động sản này là tài sản chung vợ chồng, mỗi người được hưởng 1/2; giao những bất động sản hiện ai đang quản lý thì giao cho người đó quản lý, sử dụng, sở hữu nên Tòa án đã giao cho ông Vũ được quyền quản lý, sử dụng, sở hữu 6 khối tài sản hiện do ông Vũ đang quản lý, tổng giá trị bất động sản ông Vũ được hưởng là 350.704.547.075 đồng. Giao cho bà Thảo được quyền quản lý, sử dụng, sở hữu 7 khối tài sản hiện do bà Thảo đang quản lý, tổng giá trị bất động sản bà Thảo được hưởng là 375.791.973.684 đồng. Do bà Thảo nhận bất động sản có giá trị cao hơn nên phải thanh toán chênh lệch cho ông Vũ. Việc Tòa án phân chia số bất động sản trên theo sự thỏa thuận giữa ông Vũ và bà Thảo là có căn cứ.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên "Giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất" tại 7 bất động sản nêu trên là không đúng, mà phải giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mới đúng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, bà Thảo không phải là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà bà Thảo vẫn có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam. Việc bà Thảo sang Úc mở công ty để kinh doanh, được Chính phủ Úc cấp thị thực định cư cho bà Thảo, điều đó không phải là bà Thảo mất quốc tịch Việt Nam, không còn là công dân Việt Nam. Do đó, bà Thảo không thuộc diện điều chỉnh theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật nhà ở và Điều 186 Luật đất đai, nên bà Thảo vẫn có quyền quản lý, sử dụng, sở hữu đối với 7 bất động sản nên trên mà Tòa án đã giao cho bà Thảo.
Về cách chia tài sản chung: quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo luôn có yêu cầu được nhận bằng hiện vật là cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để thực hiện việc kinh doanh, vì bà Thảo là doanh nhân. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật. Mặt khác, việc Tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo.
Về tài sản gửi ngân hàng, đối với số VNĐ, ngoại tệ, vàng gửi tại các ngân hàng, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/2/2019, người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ "xác định tổng số tiền yêu cầu phản tố vào ngày hôm nay là 1.764.633.211.401 đồng". Tuy nhiên, Tòa án không yêu cầu bị đơn cung cấp căn cứ để tính ra số tiền trên mà đã công nhận số tiền do bị đơn khai tại phiên tòa là chưa có căn cứ vững chắc...Ngoài ra, Tòa án hai cấp giao cho bà Thảo được sở hữu khối tài sản tiền, vàng, các loại ngoại tệ hiện nay nằm trong ngân hàng quy đổi thành số tiền 1.764.633.211.401 đồng tại các ngân hàng, trong khi kết quả xác minh tại thời điểm xét xử, số dư chỉ còn 1.312.686.303 đồng là chưa chính xác, không đúng với số tiền thực có gửi tại ngân hàng, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Từ đó, VKSND tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên và Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP Hồ Chí Minh về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
* Trước đó, ngày 5/12/2019, TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên công nhận ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỉ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Về tài sản là bất động sản, HĐXX tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản.
Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt trị giá 2.000 tỉ đồng trong các ngân hàng, HĐXX tuyên chia 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%. Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%.
Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và thanh toán phần chênh lệch cho bà Thảo.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ về việc không tranh chấp tại Công ty Trung Nguyên Inernational Singapore. Ngoài ra, Tòa phúc thẩm hủy bỏ phần quyết định của bản án sơ thẩm về việc đình chỉ tất cả các tranh chấp của các đương sự liên quan đến Tập đoàn Trung Nguyên. |