(BVPL) - Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/01/1910 trong một gia đình nho học (thực chất là một gia đình nông dân nghèo) tại làng Dương Lệ Đông, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong (nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).  
 
 
Tháng 2 năm 1940, Hội nghị Xứ ủy Trung Kỳ đã phân công đồng chí Trần Hữu Dực phụ trách 11 tỉnh miền nam Trung Kỳ. Tháng 9 năm 1941, đồng chí Trần Hữu Dực bị mật thám tỉnh Bình Thuận bắt, kết án đồng chí 20 năm tù và đầy đi Buôn Ma Thuột. Tháng 6 năm 1945, đồng chí Trần Hữu Dực thoát khỏi nhà tù đế quốc và tiến hành ngay việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị. Đồng chí Trần Hữu Dực đã cùng tập thể Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí làm Chủ tịch, lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa tại Quảng Trị. Ngày 31/8/1945, đồng chí Trần Hữu Dực được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ và sau đó được bầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Bộ. Từ tháng 9 năm 1945, đồng chí Trần Hữu Dực cùng các đồng chí khác xây dựng và củng cố chính quyền mới ở các tỉnh Trung Bộ. Năm 1948, đồng chí Trần Hữu Dực được Trung ương Đảng và Chính phủ điều ra Việt Bắc, để đảm nhận những công tác ở Trung ương. Từ năm 1948 đến năm 1950, đồng chí Trần Hữu Dực là Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Bí thư Đảng bộ các cơ quan Đảng Dân chính Trung ương và Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ. Từ năm 1950 đến cuối năm 1957, đồng chí Trần Hữu Dực chuyển sang làm việc ở Bộ Quốc phòng, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng Cục cung cấp Bộ Tổng tư lệnh. Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Hữu Dực là Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ cuối năm 1957, đồng chí Trần Hữu Dực thôi công tác trong quân đội, được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng thời là thủ trưởng đầu tiên xây dựng ngành Thống kê Việt Nam. Năm 1958, đồng chí Trần Hữu Dực được phân công làm Trưởng Ban Công tác nông thôn của Trung ương Đảng, kiêm chức Trưởng Ban liên lạc nông dân toàn quốc. Từ đầu năm 1960, đồng chí Trần Hữu Dực được giao nhiệm vụ xây dựng các nông trường quốc doanh và đứng đầu một ngành kinh tế mới ra đời là ngành nông trường quốc doanh. Giữa năm 1962, đồng chí Trần Hữu Dực được cử là Chủ nhiệm Văn phòng nông nghiệp Phủ Thủ tướng, kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp và Trưởng ban Chống lụt bão Trung ương. Năm 1968, đồng chí là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, kiêm Trưởng Ban Nội chính của Chính phủ. Năm 1973, đồng chí Trần Hữu Dực được cử là Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1977 đến đầu năm 1982, đồng chí Trần Hữu Dực được chuyển sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 1982, đồng chí được cử là Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Đồng chí Trần Hữu Dực là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, III, IV và liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí Trần Hữu Dực cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. 
 
Trên 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở nhiều cương vị và trọng trách trên nhiều lĩnh vực và địa bàn khác nhau, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tỏ rõ khí tiết trung kiên của người cộng sản và nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, một lòng một dạ phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Năm 1977, khi được Đảng, Nhà nước cử giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Hữu Dực đã có chủ trương lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân làm đúng theo pháp luật. Theo đồng chí Trần Hữu Dực, nếu pháp luật không được tuân thủ thì kỷ cương nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ bị lơi lỏng, ảnh hưởng đến việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng. Đồng chí Trần Hữu Dực cho rằng nếu làm công tác kiểm sát mà nhận thức phiến diện, nghiệp vụ đơn thuần, chỉ chú ý kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát giam giữ và kiểm sát thi hành án mà không chú ý công tác phòng ngừa hoặc nếu có thì “chỉ gói gọn mấy câu trong mỗi vụ tuyên án” thì chưa đủ.  
 
Nhiều đồng chí cán bộ lão thành của ngành Kiểm sát nhân dân đã từng có thời gian làm việc với đồng chí Trần Hữu Dực cho biết: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tận tụy ngày đêm, nắm chắc tình hình, đi sát thực tế, lắng nghe nhân dân, gần gũi cán bộ, hiểu rõ công việc, bản thân luôn nêu gương, phát huy tinh thần tập thể để hoàn thành các nhiệm vụ do Trung ương giao cho. Đồng chí Trần Hữu Dực luôn sống trung thực, thẳng thắn, giản dị khiêm tốn, căm ghét những kẻ cơ hội, tham nhũng, quan liêu, sa đọa về phẩm chất. Suốt cuộc đời mình, đồng chí Trần Hữu Dực luôn sống theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đối với đồng chí Trần Hữu Dực, một trong những nhiệm vụ của công tác kiểm sát là phục vụ các cuộc vận động lớn của Đảng, các phong trào của quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ pháp chế, thông qua đó nâng cao khả năng làm chủ của quần chúng. Khi nói đến vấn đề ngành Kiểm sát với phong trào quần chúng, ngành Kiểm sát phải làm gì để phục vụ phong trào quần chúng, đồng chí nhắc nhở cán bộ Kiểm sát trước hết phải làm những nhiệm vụ công tác theo chức năng đã được ghi trong luật, tháo gỡ những cản trở cho phong trào, đồng thời phải nỗ lực tham gia công tác Đảng, công tác dân vận, công tác quản lý Nhà nước. Công tác tổ chức, xây dựng ngành, vấn đề cán bộ và kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có đủ năng lực, phẩm chất luôn là mối quan tâm đầu tiên của đồng chí Trần Hữu Dực. 
 
Sau khi đất nước thống nhất, việc xây dựng và tổ chức hoạt động công tác kiểm sát tại các tỉnh phía Nam trở thành một nhiệm vụ cấp bách, nặng nề, đòi hỏi phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đặc biệt chú trọng việc xây dựng các Viện kiểm sát ở phía Nam. Trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, ngành Kiểm sát đã điều động, bổ sung hàng trăm cán bộ tốt nhất về năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm nghiệp vụ cho các tỉnh này. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp chú trọng cải tiến công tác, xây dựng điều lệ, quy chế công tác nhằm làm cho toàn ngành thành một hệ thống tập trung thống nhất theo đúng nguyên tắc tổ chức hoạt động mà Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã quy định. 
 
Đồng chí Trần Hữu Dực đã từng nói: Công tác kiểm sát là một công tác có phạm vi rộng lớn, có nhiều khó khăn, người cán bộ Kiểm sát phải có nhiệt tình cách mạng cao, phải có kiến thức, phải là những con người mới XHCN, người cán bộ kiểm sát phải luôn luôn quan tâm bảo đảm cho công tác có chất lượng cao. Muốn làm tốt công tác kiểm sát, điều quan trọng nhất là mỗi người cán bộ phải hiểu biết nhiều, hiểu chính sách, hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, tầm hiểu biết của cán bộ Kiểm sát phải rất rộng, hiểu dân, hiểu Nhà nước, hiểu công tác dân vận… ở từng khâu nghiệp vụ, cán bộ càng phải hiểu rất sâu, rất kỹ về phần công tác của mình nhưng đồng thời phải hiểu thấu đáo các lĩnh vực khác có liên quan đến công tác kiểm sát. Nếu không nắm, không hiểu kỹ thì dễ làm sai, gây khó khăn cho Đảng rất nhiều.  
 
Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Trần Hữu Dực thường nhấn mạnh đến việc tự học, tự nắm tình hình công tác, đúc rút kinh nghiệm để mau chóng trưởng thành, nâng cao chất lượng công tác. Phải phân biệt việc gì phải làm trước mắt, việc gì phải chuẩn bị lâu dài, có kế hoạch giải quyết cụ thể, tránh tình trạng làm tràn lan. Phải nâng cao trình độ tổ chức để thực hiện công tác cho thật sát, phải nghiên cứu cách hiệp đồng phối hợp với các ngành, biết huy động lực lượng phù hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí Trần Hữu Dực cho rằng phải bằng mọi cách nhanh chóng nâng cao được kiến thức, phẩm chất, năng lực của cán bộ lên kịp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Người cán bộ kiểm sát phải là con người tự quản được mình, tự mình hiểu được, làm được và làm cho mọi người khác hiểu được, làm được theo quy định của pháp luật. 
 
Đồng chí Trần Hữu Dực là người đầu tiên tạo lập trụ sở của Trường cán bộ Kiểm sát Trung ương tại xã Dương Nội ngày nay. Quan điểm của đồng chí Trần Hữu Dực đối với Trường đào tạo cán bộ kiểm sát là: Nhà trường trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành chuyển từ trung cấp lên đại học; nhà trường đồng thời là nơi nghiên cứu khoa học công tác phục vụ thực hiện chức năng của Ngành. Cần phải tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường để nhà trường ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Ngày 7/6/1977, đồng chí Trần Hữu Dực đã quyết định giao cho Trường bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát mở lớp chuyên tu cao đẳng đầu tiên, tạm thời đặt tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 7/1/1978, đồng chí Trần Hữu Dực quyết định thành lập Phân hiệu Trường cán bộ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức quản lý lớp bồi dưỡng cán bộ mới vào Ngành và lớp bổ túc cán bộ theo trình độ trung cấp cho các Viện kiểm sát phía Nam, trụ sở đặt tại 27 Nguyễn Trung Trực. Đến ngày 08/01/1980, đồng chí Trần Hữu Dực đã quyết định đổi tên Phân hiệu Trường cán bộ Kiểm sát thành Trường cán bộ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ là đào tạo và bổ túc cán bộ trong Ngành theo hệ trung cấp.
 
Thời kỳ 1976-981 là thời kỳ đất nước ta đang trong chế độ kế hoạch hoá tập trung thống nhất. Là một người giàu kinh nghiệm quản lý, đồng chí đã vận dụng những kinh nghiệm của mình vào việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của toàn Ngành. Đồng chí Trần Hữu Dực đã đề ra chủ trương thực hiện các khâu công tác kiểm sát theo chỉ tiêu, số lượng, tiến hành kế hoạch hoá công tác kiểm sát, đưa công tác kiểm sát hoạt động thống nhất ở cả ba cấp trên phạm vi cả nước. Đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt thời kỳ đồng chí giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.  
 
Trong quan hệ đối ngoại, đồng chí Viện trưởng Trần Hữu Dực tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa Viện kiểm sát tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát tối cao của một số nước XHCN nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát Việt Nam và quan tâm giúp đỡ một số nước láng giềng anh em trong đấu tranh chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
 
Có thể nói rằng, trong suốt thời gian từ năm 1976 đến năm 1981, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố của toàn Ngành, trên cương vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Hữu Dực đã thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo pháp chế được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong thời kỳ đất nước mới thống nhất và bắt tay vào xây dựng CNXH.
 
 Tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, về truyền thống nhân nghĩa, về đức tính thuỷ chung, lòng yêu thương đối với đồng chí, bạn bè và những người thân, về tác phong giản dị, trung thực của đồng chí Trần Hữu Dực xứng đáng để các thế hệ cán bộ Kiểm sát chúng ta học tập, noi theo./.
                                             
Lại Hợp Việt
Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế