(BVPL) - Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật Tố tụng Tình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 và các văn bản pháp luật khác liên quan; thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, từ năm 2001 đến năm 2010, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thời kỳ này Viện kiểm sát nhân dân trải qua hai nhiệm kỳ Viện trưởng là đồng chí Lê Thanh Đạo và kế tiếp là đồng chí Hà Mạnh Trí.

 

 

Thể chế hoá chủ trương, quan điểm cải cách bộ máy nhà nước của Đảng ta, Quốc hội khoá X đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân vẫn có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhưng thu hẹp phạm vi chức năng này là chỉ kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện công tác kiểm sát trong lĩnh vực hành chính - kinh tế - xã hội nữa (theo Điều 137).


Để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư pháp, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hiện tốt quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. 


Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, trong đó có cán bộ ngành kiểm sát nhân dân, Nghị quyết số 08-NQ/TW nhấn mạnh phải đổi mới công tác đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng: “Cán bộ có chức danh tư pháp phải có trình độ Đại học Luật và được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo chức danh... Nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghề nghiệp chuyên môn của các cán bộ tư pháp... Thực hiện luân chuyển cán bộ tư pháp giữa các cấp và các địa phương, đồng thời xây dựng chế độ, chính sách phù hợp để thực hiện việc luân chuyển đó. Rà soát lại đội ngũ cán bộ tư pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh”.


Thể chế hoá các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992; sửa đổi, bổ sung năm 2001, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định: Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng 6 công tác sau:


- Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự.
- Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp.
- Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự.
- Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của tòa án nhân dân.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù” (Điều 1 và Điều 3).


Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã có sự điều chỉnh đáng kể chức năng của Viện kiểm sát. Kể từ đây, Viện kiểm sát thôi không thực hiện công tác kiểm sát chung để tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Lần đầu tiên, Luật đã phân định rõ phạm vi, nội dung của chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp (các Điều 13, 14, 17 và 18). Có thể nói, đây là bước thay đổi lớn nhất về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong hơn 42 năm, từ ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân (1960).


Thể chế hoá quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong tình hình mới, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Kiểm sát viên. Để có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên, ngoài tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức đức tốt, liêm khiết và trung thực, thì phải có trình độ Cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Pháp lệnh này (Điều 2). Cùng với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã có những thay đổi mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là trách nhiệm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và trách nhiệm thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 đã thu hẹp đáng kể phạm vi tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát nhân dân trên cơ sở đề cao nguyên tắc đương sự tự định đoạt và nguyên tắc đương sự tự chứng minh: đã bỏ quyền khởi tố dân sự của Viện kiểm sát nhân dân được luật định trong suốt 44 năm qua kể từ khi thành lập (1960 - 2004); Viện kiểm sát nhân dân không tham gia 100% phiên tòa sơ thẩm mà chỉ tham gia phiên tòa khi có khiếu nại của đương sự về thu thập chứng cứ của tòa án; tập trung vào kiểm sát các bản án, quyết định của tòa án tham gia 100% các phiên tòa giám đốc thẩm dân sự. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 đã tăng đáng kể thẩm quyền cho các cơ quan tư pháp cấp huyện (gấp hơn 2 lần so với những năm trước đó. Viện kiểm sát cấp huyện có quyền truy tố các tội phạm có mức hình phạt đến 15 năm tù và kiểm sát việc giải quyết của Tòa án đối với phần lớn các vụ việc dân sự.


Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách tư pháp, ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “Trước mắt Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án. Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”.
Thời kỳ này, quán triệt quan điểm đổi mới và nội dung cải cách tư pháp được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; thực hiện các quy định mới của pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều biện pháp đổi mới trong thực hành quyền công tố, đấu tranh chống làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan tư pháp, đưa ra truy tố, xét xử được nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, các tội phạm nguy hiểm xâm phạm trật tự, trị an. Tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, phát hiện và ban hành được nhiều kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục các vi phạm pháp luật. Đã chú trọng xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, đặc biệt là việc nâng cao tiêu chuẩn về trình độ pháp lý của đội ngũ Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đến năm 2010, 98% số Kiểm sát viên trong toàn ngành đã có trình độ cử nhân luật và được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ kiểm sát.


Từ năm 2001 đến 2010 là giai đoạn Viện kiểm sát quân sự thực hiện đổi mới tổ chức, bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhằm thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp. Hệ thống Viện kiểm sát quân sự vẫn được tổ chức theo 3 cấp, gồm 51 Viện: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; 16 Viện kiểm sát quân sự Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, cơ quan Bộ Quốc phòng và các Quân đoàn; 34 Viện kiểm sát quân sự khu vực với tổng biên chế là 528 người, trong đó sĩ quan là 409, quân nhân chuyên nghiệp làm công tác phục vụ là 119. Ngày 26/12/2003, Chủ tịch nước ký Quyết định số 963/2003/QĐ-CTN bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Trần Phước Tới giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiêm Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương thay cho thay đồng chí Nguyễn Đăng Kính. Đến năm 2009, đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát quân sự hiện có là: 367 (89,73%) trong đó Đảng viên là 364 (99,18%); cán bộ nữ là 11 (3%); cán bộ dân tộc ít người là 11 (3%); Cán bộ đã tham gia chiến đấu là 46 (12,27%); số cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành là 366 (99,72%); trình độ Cử nhân luật trở lên là 362 (98,63%) trong đó Cao học luật là 30 (8,29%). Trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên là 100%, trong đó có 148 (40,32%) đã qua đào tạo tại Học viện Chính trị - Quân sự và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. 

 

Lại Hợp Việt
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)