(BVPL) - Trong năm 2014, toàn ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Nhân dịp đầu Xuân mới Ất Mùi năm 2015, báo Bảo vệ pháp luật trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 10 kết quả công tác nổi bật của ngành Kiểm sát trong năm 2014.
 

Năm 2014, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng, sửa đổi, ký kết nhiều quy chế, quy định... nhằm thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ công tác (Trong ảnh: Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai và VKSND tỉnh Lào Cai).
Năm 2014, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng, sửa đổi, ký kết nhiều quy chế, quy định... nhằm thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ công tác (Trong ảnh: Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai và VKSND tỉnh Lào Cai).


1 Ngành Kiểm sát nhân dân nghiêm túc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; Hoàn thành Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ biểu quyết tán thành cao

Quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ngành KSND đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động như tổ chức cho toàn Ngành quán triệt, triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; tập trung nghiên cứu những quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tiến hành rà soát để đề xuất sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp mới.

Theo đó, ngành Kiểm sát đã tích cực khẩn trương, tập trung trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, xây dựng 02 dự án luật được phân công chủ trì biên soạn đó là dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Các dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Đến nay, Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; VKSND tối cao cũng đã khẩn trương tổ chức quán triệt những quy định mới, xác định những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ, để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đến nay ngành Kiểm sát đã xây dựng xong Dự thảo lần I và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan; chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội thông qua.  

Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát đã tích cực tham gia xây dựng 17 dự án luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII; đồng thời VKSNDTC đã chủ trì xây dựng 04 thông tư liên tịch, phối hợp xây dựng 06 văn bản hướng dẫn thi hành luật.

2 Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, nhất là các vụ án lớn về kinh tế chức vụ và tham nhũng được Đảng, Quốc hội đánh giá cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ

Quán triệt những yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết án tham nhũng; kiểm tra, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án về tham nhũng, nhất là các vụ án và vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm túc nhiều biện pháp nhằm thực hành quyền công tố và kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố tội phạm về tham nhũng; qua kiểm sát, đã yêu cầu khởi tố nhiều vụ án tham nhũng; bảo đảm thận trọng và kiểm sát chặt chẽ các trường hợp đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra 14 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 30,4% số vụ án thụ lý điều tra.

Trong năm 2014, Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Tòa án tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và xét xử những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ với tiến độ nhanh hơn; kết quả xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Trong đó, đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 15 vụ án lớn; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 06 vụ án lớn: vụ Dương Chí Dũng, vụ Vũ Quốc Hảo, vụ Nguyễn Hữu Mãng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Vũ Việt Hùng, vụ Nguyễn Đức Kiên.

3 Tăng cường phát hiện, điều tra xử lý một số vụ án liên quan đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm

Trong năm qua, cùng với việc tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, nhất là các vụ án lớn về kinh tế chức vụ và tham nhũng thì nhiều vụ án liên quan đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm cũng được ngành Kiểm sát phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh như vụ Làm sai lệch hồ sơ tại Bắc Giang; vụ Bức cung, dùng nhục hình và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Sóc Trăng và một số vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp như vụ Nguyễn Duy Hiệp, quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam; vụ Lê Sỹ Thuần, Thư ký TAND huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa…. Thông qua công tác phát hiện, điều tra xử lý một số vụ án này không chỉ góp phần chống oan, sai hoặc chống bỏ lọt tội phạm mà còn góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp trong đó có Viện kiểm sát nhân dân.

4 Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 của Quốc hội; các chỉ tiêu trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp khác (dân sự, thi hành án, giải quyết đơn) đều vượt quy định của Ngành và Quốc hội

Trong năm 2014, toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 của Quốc hội như đã thực hiện đạt và vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 37 giao. Cụ thể là đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,97%, tăng 0,63% so với năm 2013 và vượt chỉ tiêu 9,97%; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,76%, tăng 0,04% và vượt chỉ tiêu 4,76%; tỷ lệ kháng nghị các loại án được Tòa án chấp nhận đạt 81,2%, vượt chỉ tiêu 11,2%, nhiều loại kháng nghị có tỷ lệ Tòa án chấp nhận tăng cao như kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính tăng 25%, kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 9,6%. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát đã triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ hồ sơ Tòa án trả để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ thấp; kiểm sát chặt chẽ và khắc phục các trường hợp lạm dụng đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự; chất lượng tranh tụng có tiến bộ; việc đề nghị mức án bảo đảm có căn cứ pháp luật, cơ bản được Tòa án chấp nhận; công tác phát hiện vi phạm, kiến nghị, kháng nghị và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp được thực hiện tốt; đã ban hành trên 8.000 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp.

5 Hoàn thành tốt nhiệm vụ rà soát, lựa chọn, giới thiệu nhân sự lãnh đạo VKSND tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49

Quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan tư pháp về lựa chọn, bố trí Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tham gia cấp ủy; đồng thời, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp, VKSND tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát địa phương cơ bản thực hiện tốt việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự là lãnh đạo VKSND địa phương để tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Việc rà soát, lựa chọn, giới thiệu nhân sự lãnh đạo VKSND tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2015 - 2020 không chỉ nhằm thực hiện nghiêm túc tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW mà còn tạo điều kiện để Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và chức năng, nhiệm vụ của Ngành.     

Đối với VKSNDTC cũng đã tổ chức triển khai Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về công tác Đại hội Đảng các cấp; phổ biến những nội dung Kế hoạch của Đảng ủy VKSNDTC về đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ VKSNDTC tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo đó, việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ phải được tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng đồng thời phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.

6 Tổ chức thi tuyển tạo nguồn bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh Kiểm sát viên VKSND tối cao nhằm nâng cao chất lượng cán bộ được bổ nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công chức, xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả”. Thực hiện chủ trương trên, VKSNDTC đã xây dựng kế hoạch thực hiện việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành KSND, đồng thời tổ chức kỳ thi tạo nguồn tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC và kỳ thi tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ năm 2014. Đây là lần đầu tiên trong ngành KSND việc lựa chọn công chức để đề nghị bổ nhiệm chức danh pháp lý Kiểm sát viên VKSNDTC và lãnh đạo quản lý cấp Vụ được thực hiện thông qua thi tuyển. Thông qua kỳ thi không chỉ phản ánh năng lực, trình độ, phẩm chất của công chức ngành KSND mà thông qua kỳ thi, ngành Kiểm sát sẽ chọn được những người có đủ đức, đủ tài xứng đáng đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSNDTC để đảm nhiệm tốt những trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Ngành giao phó. Cũng thông qua kỳ thi, Ngành sẽ sáng suốt lựa chọn được những đồng chí lãnh đạo quản lý cấp Vụ có đủ “Tâm” và “Tầm” vững về chuyên môn, giỏi về quản lý, có uy tín cao trong đơn vị, xứng đáng là những người lãnh đạo được tôn vinh.

Cùng với việc tổ chức kỳ thi tạo nguồn tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC và kỳ thi tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ năm 2014, ngành Kiểm sát cũng nỗ lực thực hiện việc cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới hành chính tư pháp; tập trung xây dựng, thực hiện Đề án “Xác định vị trí việc làm và cơ cấu các ngạch công chức, viên chức trong ngành KSND” bước đầu thu được những kết quả tích cực. Mặt khác, ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 04 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh các phong trào thi đua để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh.

7 Công tác đàm phán, xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đạt kết quả tích cực; Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Ngành

Năm 2014, ngành Kiểm sát tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự. VKSND tối cao hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước, các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các nước trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và xây dựng thể chế. Đã tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, học tập về pháp luật tố tụng hình sự và kinh nghiệm đào tạo Kiểm sát viên; tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...; làm việc với hàng chục đoàn đại biểu, chuyên gia các nước về hợp tác tư pháp.

Bên cạnh đó, VKSND tối cao tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Australia; xây dựng hồ sơ đề xuất và triển khai việc đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với 08 nước; ký thỏa thuận hợp tác với Mông Cổ; xây dựng Thỏa thuận hợp tác với Đài Loan, Trung Quốc,... Thực hiện tốt các nhiệm vụ của thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế. Triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế. Cùng với đó, ngành Kiểm sát đã tập trung làm tốt công tác phân loại, xử lý kịp thời các hồ sơ, văn bản ủy thác; chủ động phối hợp, đôn đốc các cơ quan hữu quan thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp đúng pháp luật; chất lượng giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng được nâng lên.

8 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thành Hệ thống truyền hình trực tuyến đến VKSND cấp huyện trong cả nước, đáp ứng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp

Ngành Kiểm sát đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm thống kê tội phạm, hệ thống thông tin quản lý án hình sự; xây dựng, thực hiện Đề án “Nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến hiện có, đồng thời, triển khai xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng Hệ thống truyền hình trực tuyến đến Viện kiểm sát cấp huyện trong toàn quốc. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được nâng lên đáng kể.

Để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì công tác thông tin, tuyên truyền thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đồng thời, năm 2014 ngành Kiểm sát đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, nghiệp vụ và nội vụ đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong ngành KSND, hướng đến lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành KSND lần thứ V vào năm 2015.

9 Triển khai dự án xây dựng trụ sở cơ quan VKSND tối cao; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho VKSND các cấp và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Cùng với việc tiếp tục triển khai dự án xây dựng trụ sở cơ quan VKSND tối cao, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát cũng đã nỗ lực triển khai, thực hiện đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát giai đoạn 2011 - 2015”, từng bước bảo đảm thiết bị, phương tiện cho các đơn vị trong Ngành theo định mức, phục vụ thiết thực cho công tác. Đã khẩn trương thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh việc triển khai thi công, bảo đảm công trình sớm đưa vào khai thác, sử dụng như công trình Ký túc xá, Nhà hành chính của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Khẩn trương thực hiện việc mua sắm trang phục, lễ phục cho cán bộ, công chức trong toàn Ngành. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn về cơ sở, vật chất cho Ngành, VKSND tối cao cũng đang đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng các đề án khả thi nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Viện kiểm sát các cấp trong thời gian tới.

10 Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế hối hợp giữa VKSND tối cao với Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam; tổ chức chức ký Quy chế phối hợp (sửa đổi) và triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Trong năm 2014, VKSNDTC đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa hai Ngành. Qua 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với VKSNDTC cho thấy, ngay sau khi Quy chế phối hợp cấp Trung ương được ban hành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND các cấp đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp ở cấp mình; tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nội dung Quy chế và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực công tác như: xây dựng pháp luật; trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong công tác tuyển chọn Kiểm sát viên; trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Sự phối hợp giữa hai bên thời gian qua đã góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.     

Trên cơ sở tổng kết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và VKSNDTC đã tiến hành ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi) nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và VKSND trong giai đoạn mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thời gian qua, Viện kiểm sát các cấp cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng, sửa đổi, ký kết nhiều quy chế, quy định... nhằm giúp cho quan hệ phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
 

BBT

.