Không chỉ được tìm hiểu về cuộc đời làm báo dấn thân của một nhà báo có ân tình đặc biệt với người dân Việt Nam, công chúng còn được khám phá những hình ảnh quý hiếm rất thú vị về miền Bắc Việt Nam những năm 1950-1960.

Đó là hình ảnh về một cái tết thanh bình, hạnh phúc trên đường phố Hà Nội năm 1956; một bản làng người Thái nép mình giữa núi rừng Điện Biên; cổng làng Bắc Bộ với bà già răng đen toét miệng cười tươi dắt trâu ra đồng với một cậu thiếu niên phía sau; cảnh lao động hăng say của hợp tác xã đầu tiên ở Điện Biên Phủ; một nhóm trẻ vây quanh chiếc máy ảnh lạ lẫm của một nhà báo "Tây", hay cô phát thanh viên tiếng Anh và tiếng Pháp xinh đẹp mà lính Mỹ vẫn gọi với biệt danh Hannah Hà Nội đang ngồi đọc bản tin với nụ cười rạng rỡ…

Đó là những khám phá thú vị mà công chúng có thể tìm thấy trong trưng bày chuyên đề Wilfred Burchett - Ấn tượng Hồ Chí Minh và câu chuyện nhà báo chiến trường do Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với gia đình nhà báo Burchett tổ chức, khai mạc chiều 16/5 tại bảo tàng này.

Ngoài những khám phá thú vị về miền Bắc Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước, trưng bày còn vẽ lên cho bạn đọc sự nghiệp vinh quang của một nhà báo có ân tình đặc biệt với người dân Việt Nam, một người bạn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo Wilfred Burchett.

40 bức ảnh cùng nhiều hiện vật, tư liệu quý như những bài báo về cuộc chiến tranh ở Việt Nam của Wilfred Burchett gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới.

Những cuốn sách quý của Wilfred Burchett về Việt Nam và những cuốn sách khác do gia đình nhà báo Burchett cung cấp mang đến một khám phá thú vị cho công chúng về một nhà báo được cho là gây tranh cãi nhất ở đất nước Úc của ông. Trong số này có nhiều bức ảnh lần đầu tiên được công bố.

Nhiều tư liệu, bút tích gắn liền với những năm tháng hoạt động báo chí tại Việt Nam của Wilfred Burchett đã cho thấy ông là một nhà báo chiến trường quả cảm và rất mực gần gũi, thân thiết với các cán bộ, chiến sĩ, đồng nghiệp làm báo và nhân dân Việt Nam.

"Trưng bày chuyên đề này đã một lần nữa kể với chúng ta câu chuyện một người bạn lớn của nhà báo Hồ Chí Minh", phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu.

Theo ông Hồ Quang Lợi, là nhà báo Úc, năm 1954 Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc và kịp thời đưa tin về chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc gặp đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc với Burchett về nghề báo.

Từ đó, trong suốt ba mươi năm, dấu chân ông đã in trên nhiều vùng đất Việt Nam, từ Bắc chí Nam. Giữa thập niên 60, người ta thấy Burchett áo vải, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép lốp, đạp xe trong rừng với cán bộ, chiến sĩ ta tại khu căn cứ miền Nam.

Ông là người bạn trung thành của nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, cho tới tận khi qua đời vào năm 1983.

"Sự ủng hộ của cha tôi đối với cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập tự do của Việt Nam bắt nguồn từ sự kính trọng và tình cảm sâu sắc của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình yêu, sự ngưỡng mộ của ông với nhân dân Việt Nam, đối với bề dày lịch sử, vẻ đẹp văn hóa và truyền thống của Việt Nam…", ông George Burchett - con trai của nhà báo Wilfred Burchett - chia sẻ về mối duyên sâu nặng của cha ông với Việt Nam.

Ngoài những hình ảnh chụp miền Bắc Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước, trưng bày còn mang tới nhiều hình ảnh quý về tại chiến trường miền Nam bởi nhà báo Wilfred Burchett từng có tới 3 lần vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam.