Việc đưa đón học sinh tiểu học bằng xe ngựa, xe ba bánh tự chế ở Tứ Kỳ, Hải Dương không lạ với người dân nơi đây. Nhưng điều lạ là địa phương lại làm ngơ  trước hành vi vi phạm Luật Giao thông này.

 

Trong thùng xe lắp cả quạt chống nóng vào mùa hè
Trong thùng xe lắp cả quạt chống nóng vào mùa hè
 
40 học sinh trên một xe ngựa
 
Đến nay, ông Nguyễn Văn Lực (khu Tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ) đã có thâm niên 7 năm làm nghề chạy xe ngựa đưa đón học sinh. Hàng ngày, vợ chồng ông dậy từ 5h cho ngựa ăn và chuẩn bị đồ nghề lên đường làm nhiệm vụ “bảo mẫu” cho gần 90 gia đình có con theo học tại Trường Tiểu học Tứ Kỳ. Ngày bốn lượt đưa đi, đón về, ông Lực phụ trách tuyến đường vào chợ Yên, còn vợ ông đảm nhiệm tuyến đi cầu Vạn dài khoảng 2km. 
 
Những ngày đầu, ông Lực dùng con ngựa vốn dùng kéo xe chở than để phục vụ 20 học sinh với giá 100.000 đồng/người/tháng. Nhưng về sau nhiều phụ huynh có nhu cầu nên ông tăng thêm diện tích thùng xe, đầu tư thêm một xe ngựa nữa chở học sinh, giá hiện tăng lên 150.000 đồng/người/tháng. 
 
“Các phụ huynh ở đây chủ yếu là công nhân, làm ca kíp nên không có thời gian đưa đón các cháu. Muốn cho các cháu đi xe ngựa, các bậc phụ huynh phải làm một đơn đăng ký, rồi hai bên làm hợp đồng nêu rõ nghĩa vụ, giá cả và cam kết. Từ ngày tôi làm nghề này tới giờ chưa để xảy ra sự cố nào, trừ một vài lần bánh xe bị thủng săm do đinh đâm vào”, ông Lực khẳng định. 
 
Hiện tại, ngoài hai xe ngựa kéo của vợ chồng ông Lực còn có một chiếc xe ngựa và một xe ba bánh tự chế khác đưa đón học sinh. 
 
“Bám càng” xe ngựa của ông Lực trong suốt quãng đường dài 2km, chúng tôi không khỏi rùng mình khi thấy thùng xe chật cứng chở hơn 40 em nhỏ liên tục lắc lư, kẽo kẹt trong dòng xe cộ đông đúc. Cánh cửa lên thùng xe mở tung. Trên xe, các em nhỏ đùa nghịch, thò tay ra ngoài qua những ô sắt nhỏ. Thậm chí, con trai ông Lực còn “đánh đu” ở phía cuối xe để ghì chặt thùng xe dài gần 3m xuống khiến con ngựa kéo như sắp bị nhấc bổng lên trời. 
 
Giữ xe rồi... trả lại
 
Cùng trên tuyến đường này, chiếc xe ba bánh tự chế chở học sinh cũng rất nguy hiểm khi máy móc, thùng xe đều lắp ráp thủ công, không đạt chuẩn. Qua tìm hiểu được biết, dịch vụ đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Tứ Kỳ bằng xe ngựa, xe ba bánh tự chế là thỏa thuận riêng giữa phụ huynh với chủ xe mà không liên quan tới nhà trường, chính quyền địa phương. Thế nên, dù lo lắng những bất trắc có thể xảy ra trên đường đối với học sinh của mình nhưng các thày cô giáo ở đây cũng đành bó tay. 
 
Ông Nguyễn Văn Trong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Kỳ cho biết, dịch vụ này thuận tiện với nhiều phụ huynh là công nhân nhưng hiện chưa được kiểm soát. “Do địa phương còn nghèo, không có điều kiện xây nhà bán trú, đầu tư xe ô tô đưa đón học sinh nên các em vẫn phải đi xe ngựa như thế. Ban giám hiệu nhà trường vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động tới các phụ huynh nên chủ động đưa đón con đi học, đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra”, ông Trong cho biết.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Mạc Văn Thái - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương cho biết, không chỉ ở Tứ Kỳ, dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ngựa, xe tự chế đã có tại TX Chí Linh và TP Hải Dương. Tuy đã giao cho chính quyền địa phương nhưng việc xử lý, chấn chỉnh thực trạng trên vẫn chưa đâu vào đâu. “Hiện, chưa có văn bản luật nào đề cập đến việc xử lý loại xe kéo bằng gia súc nên không thể xử phạt được. Riêng loại xe tự chế thì quy định phải thu giữ và cắt ra bán sắt vụn, tiền thu được sung vào ngân sách nhưng các địa phương thu xong rồi... trả lại. Đầu tháng 5/2013, chúng tôi đã lập đoàn đi kiểm tra tại ba địa phương, bắt được nhiều xe tự chế. Ở trường THCS Lê Quý Đôn, TP Hải Dương, chúng tôi bắt tới 7 chiếc xe máy điện chở học sinh nhưng rồi đâu lại vào đấy”, ông Thái thở dài.  
  
Xe ngựa chở học sinh là trái Luật Giao thông
 
Ngay khi báo chí đưa tin vẫn còn tình trạng sử dụng xe ngựa đưa đón học sinh đi học trên địa bàn tỉnh, ông Lê Đình Long - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương khẳng định sẽ kiểm tra và yêu cầu xử lý rốt ráo việc này. Theo ông Long, xe ngựa là xe thô sơ chỉ được phép chở hàng hóa chứ không được chở người. Việc đưa đón số lượng lớn học sinh bằng xe ngựa và cả xe tự chế là không an toàn và trái Luật GTĐB. Trước đây, Sở đã có văn bản yêu cầu địa phương đình chỉ hoạt động của các phương tiện này, yêu cầu nhà trường đề nghị phụ huynh, học sinh cam kết không đi học bằng xe ngựa. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và có biện pháp dứt khoát”, ông Long nói.
P.Dung

 

Theo GTVT