leftcenterrightdel
Lượng phương tiện tăng đột biến khiến cho giao thông của Hà Nội ở nhiều tuyến phố gần như bị tê liệt, nhất là vào giờ cao điểm. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Tại buổi thảo luận “Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả” do Đại sứ quán Thụy Điển và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều nay (7/5), theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, cả nước có 60/62 tỉnh thành có mạng lưới hệ thống xe buýt. Trong đó, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, loại hình vận tải công cộng này được chú trọng đầu tư như đường sắt đô thị, xe buýt phát triển cả số lượng và chất lượng.

Đơn cử, xe buýt thủ đô Hà Nội hiện có 112 tuyến, năm 2017 vận chuyển hơn 400 triệu khách. Đây là các con số ấn tượng trong vận tải công cộng.

Với tốc độ phát triển đô thị hóa, Thứ trưởng Thọ cũng đưa ra thực tế, Việt Nam gặp phải thiếu sự gắn kết quy hoạch giao thông đô thị, thiếu quỹ đất dành cho giao thông chưa đáp ứng nhu cầu, sự gia tăng nhanh phương tiện giao thông từ 10-15% ảnh hưởng lớn đến thói quen dùng phương tiện cá nhân, kìm nén sự phát triển giao thông vận tải công cộng.

Thừa nhận Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức về giao thông đô thị, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ ra nguyên nhân là do kinh tế tăng trưởng nên thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu mua xe cá nhân tăng (thủ đô hiện có 5,48 triệu xe máy, tăng hàng năm là 6,7% và 12% về ôtô), trong khi tốc độ phát triển giao thông chỉ tăng 3,9% gây nên mất cân đối cùng với ý thức tham gia giao thông chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông phức tạp.

Theo ông Toản, sau khi mở rộng Hà Nội, nhờ vào tính hấp dẫn đô thị, số người nhập cư ngày càng gia tăng, dân số hiện nay khoảng 7,5 triệu người đi kèm với gia tăng nhu cầu đi lại gây áp lực lên hạ tầng giao thông.

“Chưa kể, quỹ đất và không gian đô thị ngày càng hạn chế trong khi các chi phí xây dựng ngày càng cao do “đội” chi phí giải phóng mặt bằng; thách thức đảm bảo an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho hay.

Đưa ra các giải pháp, ông Toản cho biết, Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết bài toán giao thông đô thị khi mạng lưới vận tải gồm 112 tuyến tăng 64% so với 2008, bao phủ khắp 30 quận huyện; các điểm ùn tắc giao thông giảm, kết cấu hạ tầng quan tâm đầu tư nâng cấp xây dựng nhiều dự án triển khai hoàn thiện như cải tạo trục hướng tâm, xây mới trục chính đô thị, nút giao thông, xây đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-Ga Hà Nội…

Trong thời gian tới, để đảm bảo phát triển giao thông đô thị bền vững, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ 6 gói giải pháp gồm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch của Chính phủ; tổ chức giao thông hợp lý; phát triển đồng bộ hệ thông giao thông công cộng, trong đó phát triển xe buýt và 2 dự án đường sắt đô thị là rất quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố thông minh để người dân tiếp cận; tăng cường tuyên truyền và tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Đặt câu hỏi làm thế nào để hỗ trợ phát triển giao thông bền vững, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cam kết, ADB vẫn cung cấp cho vn một số khoản vay nhỏ với mục đích hỗ trợ, tăng cường phát triền bền vững cơ sở hạ tầng giao thông như phát triển mạng lưới hệ thống metro (tàu điện ngầm, đường sắt đô thị).

“Cách thức phát triển giao thông ở Việt Nam cũng như các nước khác, đó là do đô thị hóa nhanh, gây nhiều ô nhiễm, chất thải. ADB đã đưa ra nhiều sáng kiến để phát triển giao thông bền vững như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển giao thông công cộng và hỗ trợ ngành giao thông có lượng cacbon thấp, quản lý chất thải trong giao thông...,” đại diện ADB phân tích.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia hoặc các công ty Thụy Điển cũng đưa ra các giải pháp tổng thể như quy hoạch đô thị, bố trí quỹ đất giao thông, phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, ứng dụng khoa học công nghệ trong thành phố thông minh, quản lý năng lượng…/.

Việt Hùng/vietnam+