Mục đích tốt…

Hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố lớn. Theo thống kê, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% lượng CO; 57% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới… Trong đó, xe cũ được cho là nguyên nhân phát ra nhiều khí thải hơn so với xe mới.

Vì vậy, việc “đổi xe cũ lấy xe mới” để bảo vệ môi trường là thí điểm được Hà Nội đưa ra trong chương trình “Xe sạch - trời xanh”. Chương trình do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức từ ngày 12/11 (dự kiến kết thúc vào ngày 30/11).

leftcenterrightdel
1 cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) dựng pano để giới thiệu về chương trình. 

Hoạt động hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ được thực hiện nếu người dân đáp ứng đủ những điều kiện sau:

Thứ nhất: Xe máy chính chủ, chủ phương tiện có hộ khẩu ở Hà Nội.

Thứ hai: Xe máy thuộc các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, đăng ký lần đầu trước năm 2002 tại Hà Nội, có đầy đủ các bộ phận: khung xe, động cơ, bình nhiên liệu, tay nắm, bánh xe, giảm xóc, ống xả.

Thứ ba: Xe máy hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe với cơ quan đăng ký (có giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe, biển số xe được cấp bởi cơ quan đăng ký).

… nhưng tính khả thi chưa cao?

Theo chương trình, mức hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới được chia làm 3 cấp: 2 triệu đồng/xe, 3 triệu đồng/xe, 4 triệu đồng/xe. Và muốn được hưởng mức hỗ trợ 2 triệu đồng thì người dân phải mua chiếc xe mới (của chính hãng xe hỗ trợ) trị giá 25 triệu đồng trở xuống, mức 3 triệu phải mua xe 25 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng và hưởng 4 triệu phải mua xe trên 40 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Nhân viên kĩ thuật tiến hành đo độ phát khí thải của xe.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người dân không muốn hoặc khó có thể tham gia chương trình này được bởi để sở hữu một chiếc xe máy rẻ nhất trên thị trường hiện nay, người mua phải chi tổng số tiền khoảng 20 triệu đồng. Với mức này, người mua nếu được hỗ trợ 2 triệu, thì họ vẫn phải bỏ ra đến khoảng… 18 triệu đồng. Tương tự với đó, người mua xe 30 triệu sẽ phải bỏ ra 27 triệu và người mua xe 40 triệu phải bỏ ra 36 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên chiều 14/11, anh H., Quản lý của một đại lý xe máy lớn trên đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chương trình đã triển khai được 2 ngày nhưng chưa có khách hàng nào đến đại lý của anh để tham gia chương trình đổi xe cũ lấy xe mới.

“Cũng có 1 số khách hàng quan tâm nhưng do vấn đề thủ tục, cũng có 1 số lý do như truyền thông người ta chưa nắm được. Thống kê xe từ trước năm 2002 có thể là nhiều nhưng xe chính chủ thì còn rất ít, không chính chủ thì người ta cũng không được hỗ trợ. Chương trình này cũng khá là tốt, khá là hỗ trợ khách hàng nhưng làm sao để thủ tục đơn giản nhất, bình thường khách hàng đến cửa hàng làm thủ tục luôn thì được. Bên cạnh đó, khâu thu hồi tài sản, thu hồi biển số và đăng kí xe người dân sẽ không muốn bỏ thời gian ra để làm việc đó” – anh H. chia sẻ.

leftcenterrightdel
Màn hình hiển thị các thông số khi đo lượng khí thải phát ra từ 1 chiếc xe máy.  

Tương tự, chị T., cửa hàng trưởng một cửa hàng xe máy trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tính đến ngày hôm nay (14/11 – PV), vẫn chưa có khách hàng nào đến cửa hàng của chúng tôi để tham gia chương trình đổi xe cũ lấy xe mới. Cũng có người đăng ký nhưng một số khách hàng gặp khó khăn do họ không có hộ khẩu Hà Nội”.

Bên cạnh đó, với tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở Thủ đô, lượng xe đăng ký từ trước năm 2002 (tính đến nay là 20 năm) hiện nay ở Hà Nội không còn nhiều. Đa số chủ của những phương tiện này là những người có thu nhập thấp, họ khó có thể phụ thêm một số tiền lớn để đổi xe, nhận mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng. Vì vậy, chương trình dù có mục đích rất tốt, nhưng tính khả thi là điều cần phải xem xét thêm…

24 điểm tư vấn, hỗ trợ người dân

Theo Chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe gắn máy cũ đang lưu hành, Hà Nội bố trí 24 điểm tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ lấy xe máy mới ở các quận huyện, thị xã gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Sơn Tây và Thường Tín.

Cụ thể, điểm tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ thuộc hãng xe Honda gồm: Đại lý Kường Ngân 1 (50A, Trần Nhân Tông, P. Nguyễn Du, Hai Bà Trưng); Kường Ngân 2 (11 Nguyễn Lương Bằng, P. Nam Đồng, Đống Đa); Doanh Thu 1 (136, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy); Doanh Thu 2 (101, A2 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy).

Thắng Lợi 1 (25, Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm); Thắng Lợi 3 (545, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên); Hồng Hạnh 1 (252, Phố Huế, Hai Bà Trưng); Hồng Hạnh 2 (số 7 Âu Cơ, Tây Hồ); Hồng Hạnh 3 (18 Lê Đức Thọ, P. Mỹ Đình, Nam Từ Liêm); Phương Hà 3 (295 Minh Khai, P. Vĩnh Tuy; Phương Hà 4 (số 2 Lê Văn Lương, Cầu Giấy); Vũ Hoàng Lê 1 (số 1 Trần Phú, Văn Quán, Hà Đông); Dung Vượng 1 (87 Chùa Thông, Sơn Lộc, Sơn Tây); Tiến Vỹ 1 (298 Đường 1A cũ, phố Ga, Thường Tín).

Điểm tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thuộc hãng xe Yamaha gồm: Đại lý Yamaha Town Tây Hồ ( 79 Âu Cơ, Tây Hồ); Yamaha Town Cầu Giấy số 98 Xuân Thủy, Cầu Giấy; Yamaha Town Long Biên (158 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên); Yamaha Town (62 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa); Yamaha Town ( số 123, Ô Chợ Dừa, Đống Đa).

Điểm tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thuộc hãng Piaggio có Đại lý Topcom (số 231 Lê Duẩn, P. Nguyễn Du, Hai Bà Trưng).

Điểm tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thuộc hãng xe Suzuki gồm: Đại lý Khang Thịnh (số 284, Phố Vọng, P. Phương Liệt, Thanh Xuân; Hà Thuỷ (số 281 Đội Cấn, P. Liễu Giai, Ba Đình).

Điểm tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thuộc hãng Sym có Đại lý Minh Phát (số 85 Tôn Đức Thắng, P. Cát Linh, Đống Đa); Hoà Huy (số 281, Đội Cấn, P.Liễu Giai, Ba Đình).


Nguyễn Hải - Nguyễn Ngọc