Được khởi công vào tháng 7/2015, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170 km, do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện. Dự án gồm hai hợp phần: Xây dựng 64km đường cao tốc Km45+100 - Km108+500 và 105 km được tăng cường mặt đường QL1, Km1+800 - Km106+500. Tổng mức đầu tư toàn Dự án hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng đoạn cao tốc từ Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km được xây dựng mới hoàn toàn, điểm đầu tại Km45+100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km108+500, nối với điểm cuối QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Đường có bề rộng 25m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 100 km/h.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh lễ thông xe chiều 29/9/2019

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là Dự án giao thông quy mô lớn, thuộc tuyến giao thông huyết mạch, trọng yếu, kết nối các tuyến hành lang kinh tế quan trọng, là một trong những cửa ngõ giao thương đường bộ lớn nhất về xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc.

Đây là tuyến cao tốc thuộc Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao của cả nước. 

Tuyến cao tốc đảm bảo quốc phòng, an ninh không chỉ của hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn mà của các các địa phương vùng Bắc Bộ. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1; thúc đẩy việc giao thương hàng hóa; phát triển du lịch, dịch vụ... của các địa phương và cả khu vực.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh đường cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn

Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã gặp phải nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành, nhưng với sự nỗ lực cố gắng rất lớn hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; sự làm việc có trách nhiệm và chuyên nghiệp của chủ đầu tư; sự vào cuộc của các nhà thầu; sự tham gia của các ngân hàng; sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành khác, nên chỉ sau chưa đầy 2  năm khởi động lại, công trình đã cơ bản hoàn thành và được thông xe kỹ thuật.

Cách đây hơn 1 năm (tháng 3/2018), hợp phần QL1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Đến nay, hợp phần cao tốc đã hoàn thành, cùng với hợp phần QL1 đã được khai thác, thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Lạng Sơn rút ngắn chỉ còn 2 tiếng, so với 3 tiếng trước đây. Cung đường hiện đại phục vụ dân sinh và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng đối với tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang.

Tuyến cao tốc Hà Nội –Lạng Sơn có chiều dài 170 km, được khởi động từ năm 2017, tuy nhiên do đại diện liên danh nhà đầu tư là “trùm cờ bạc” Nguyễn Văn Dương nên Dự án bị “chững “ lại. Sau 2  năm khởi động lại, công trình đã cơ bản hoàn thành và được thông xe kỹ thuật, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn

Tháng 7/2015, “trùm cờ bạc” Nguyễn Văn Dương đứng đầu Công ty CP Đầu tư UDIC với vai trò là liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng nên dự án gặp bế tắc. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục cảnh cáo nhà đầu tư vì vi phạm hợp đồng BOT.

Tháng 5/2017, Bộ GTVT quyết định “trảm” nhà đầu tư và “thay máu” cho dự án bằng việc kêu gọi một số nhà đầu tư tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC tham gia vào công trình, đảm bảo dự án vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý.

Ngày 1/6/2017, dự án chính thức được khởi động lại, đánh dấu bằng sự kiện ngân hàng Vietinbank ký hợp đồng tài trợ nguồn vốn tín dụng cho dự án để triển khai thi công với trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Tháng 5/2018, thực hiện chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chuyển vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án cho UBND tỉnh Lạng Sơn.

 

Ngọc Anh