(BVPL) - Bên cạnh những ưu thế ban đầu như tiện lợi, giá rẻ, thời gian gần đây, loại hình taxi Uber, Grab cũng như xe ôm ứng dụng công nghệ qua điện thoại thông minh đã bộc lộ những bất ổn, như: xảy ra các vụ tranh giành khách, dẫn đến đánh nhau giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ, nhiều vụ tai nạn giao thông do lái xe chưa quen đường, chưa có kinh nghiệm…. gây bất an cho hành khách. Sự gia tăng quá nhanh loại hình taxi và xe ôm công nghệ gây khó khăn cho công tác quản lý. Những câu hỏi như: hiện có bao nhiêu xe ôm công nghệ đang hoạt động trên một số địa bàn đang được cấp phép thí điểm? Việc quản lý loại hình này thế nào, những chế tài xử phạt khi có vi phạm…hiện chưa có câu trả lời cụ thể.
 


Vì sao taxi, xe ôm công nghệ có giá rẻ?


Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đưa thí điểm mô hình hoạt động vận tải hành khách của Uber và Grab nhưng số lượng thí điểm không hạn chế. Đặc biệt, chính sách thuế cho Uber và Grab được nhiều ưu đãi, bản thân các xe chạy Uber chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) trên doanh thu được hưởng 3%, thuế thu nhập DN trên doanh thu được hưởng 2%; đối với Grab, các khoản thuế phải đóng từ 6 - 7%. Mức thuế này không chỉ thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống đang chịu gồm 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập DN mà còn gây thất thu cho ngành thuế. Không có sự ràng buộc trách nhiệm giữa công ty cung cấp dịch vụ với các lái xe và ngược lại. Lái xe Uber, Grab không được tham gia bảo hiểm xã hội, tham gia công đoàn, không được khám sức khỏe định kỳ… đồng nghĩa với việc các hãng Uber, Grab không thực hiện trách nhiệm xã hội với người lao động.  Ngoài ra, với danh nghĩa công ty công nghệ, Uber, Grab đã “lách” quy định pháp luật hiện hành để giành nhiều lợi thế mà taxi truyền thống bị “trói” như: quy định về số lượng xe, có trụ sở hoặc văn phòng, nơi đỗ xe, có logo, mào xe và công khai giá cước…


Những bất cập

Như vậy, lợi thế cạnh tranh của taxi, xe ôm công nghệ có được một phần là do những lỗ hổng trong quy định pháp luật và quản lý dịch vụ. Cụ thể, theo quy định trong lĩnh vực vận tải hiện hành, doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ phải chịu nhiều chế tài quản lý như: thuế, giá, quy định về logo, mào xe, phù hiệu xe, điều kiện, chế độ lái xe… Hiện nay, nhiều tuyến phố cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm nhưng taxi của Uber hoặc Grab là ngoại lệ do không có biển hiệu, logo nên không có cơ sở để xử lý. Về giá cước vận tải, dù theo cơ chế thị trường, nhưng khi đơn vị taxi (truyền thống) muốn tăng hoặc giảm vẫn phải khai báo với cơ quan chức năng. Ngược lại, taxi công nghệ có thể dễ dàng thực hiện các chính sách giá, phát triển dịch vụ để cạnh tranh. Một chiếc xe cá nhân khi ký kết với Uber hoặc Grab thông qua một hợp tác xã vận tải hoặc doanh nghiệp vận tải sẽ nằm trong hệ thống, được cấp tài khoản và tham gia chở khách, thu tiền như taxi truyền thống. Nhưng loại hình này lại không bị ràng buộc về chính sách, chế độ với lái xe, có thể tăng hoặc giảm tùy thời điểm, hoặc tình hình thời tiết trong ngày.

Việc nở rộ dịch vụ chạy xe Uber và Grab, giá cả cạnh tranh giúp người tiêu dùng được hưởng lợi ích song sự bùng nổ về số lượng xe chỉ trong thời gian ngắn đã gây áp lực lớn đến hạ tầng giao thông. Điển hình là tại các sân bay như Nội Bài của Hà Nội và Tân Sơn Nhất của TP. Hồ Chí Minh, do có nhiều xe Uber, Grab quanh sân bay chờ khách khiến cửa ngõ ra vào Tân Sơn Nhất hay khu vực cửa ngõ sân bay Nội Bài và khu vực lân cận thường xuyên bị tắc giờ cao điểm. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại rất khó xử lý do khó kiểm soát, khó xác định được đấy là xe Uber, Grab. Những xe đậu ngoài sân bay càng khó xử lý hơn.

Một bất cập khác là, khi sử dụng loại hình vận tải Uber, Grab này, khách hàng phải khai báo một số thông tin cá nhân, số điện thoại của mình, dẫn đến việc có thể bị lợi dụng. Thêm nữa, quan hệ giữa các công ty công nghệ với các lái xe Grab, Uber khá lỏng lẻo, văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng chỉ thực hiện việc hỗ trợ mà không ràng buộc pháp lý nên khi có vướng mắc, khiếu kiện từ các chủ xe hay người sử dụng dịch vụ không được giải quyết. Những bất cập này đã gây bất an cho người tiêu dùng.

Cùng với taxi công nghệ, thời gian qua, xe ôm công nghệ (GrabBike, UberMOTO) cũng bùng nổ, khiến cuộc cạnh tranh giữa xe ôm truyền thống với Grabbike hay UberMotor… ngày càng trở nên căng thẳng. Trái với taxi công nghệ, xe ôm công nghệ rất dễ để nhận biết do lái xe được trang bị đồng phục (áo, mũ) riêng, logo mang tên công ty công nghệ rất nổi bật. Và hiện xe ôm công nghệ đã có mặt ở mọi ngõ ngách, trên các tuyến đường, các tòa chung cư, trung tâm thương mại... Thậm chí, đội ngũ làm xe ôm công nghệ còn đông hơn cả xe ôm truyền thống. Đã xảy ra nhiều vụ xô xát tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh giữa xe ôm truyền thống và Grabbike. Theo đại diện Grab Việt Nam, tính đến giữa tháng 6 vừa qua, đã xảy ra khoảng 100 vụ tài xế Grabbike bị hành hung có liên quan đến xe ôm truyền thống. Tại Hà Nội, một số nơi như khu vực bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đã hình thành những điểm “nóng” về tranh chấp giữa 2 lực lượng xe ôm công nghệ và truyền thống.

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP. Hà Nội), khó khăn lớn nhất trong công tác xử lý vi phạm đối với các tài xế Grab, Uber là chưa có chế tài cụ thể. Đối với các xe ôm công nghệ, chỉ có thể xử lý vi phạm các lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nói chung như: dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ… Đối với taxi công nghệ, do đang trong giai đoạn thí điểm (đến hết năm 2017) nên rất khó xử lý vì không có chế tài. Hiện, lực lượng chức năng cũng chỉ có thể xử phạt các lỗi như đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, lấn làn, trả khách không đúng nơi quy định...

Trước sự bùng nổ của công nghệ  hiện nay, taxi Grab, Uber hay xe ôm Grab bike, Urber moto là quy luật phát triển của thị trường, đem lại nhiều sự lựa chọn, lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý không thể cấm loại hình vận tải mới này mà cần có những biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu để khuyến khích các loại hình vận tải (truyền thống và hiện đại) cùng phát triển, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Trong đó, điều cấp thiết hiện nay là cần lấp những “khoảng trống” về pháp lý với những quy định cụ thể, chế tài đầy đủ, đủ mạnh đối với loại hình vận tải mới sử dụng công nghệ như Grab, Uber để đảm bảo hoạt động tuân thủ pháp luật.

Được biết, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về quản lý vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa loại hình taxi Uber, Grab vào đối tượng quản lý. Bộ Giao thông Vận tải hy vọng sau khi có Nghị định 86 sửa đổi, việc quản lý các loại hình taxi này sẽ bảo đảm được sự công bằng hơn.
 

Hương Trà

.