Tại sao thông tư 31 của Bộ Giao thông vận tải gây tranh cãi?
Cập nhật lúc 05:50, Thứ tư, 25/09/2019 (GMT+7)
Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 31/2019/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 15/10 tới) đã gây tranh cãi trong những ngày qua.
Cụ thể, theo thông tư, tất cả các loại xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) tốc độ tối đa không được vượt quá 40km/h.
|
|
Một phần nội dung thông tư 31 (ảnh chụp màn hình). |
Tuy nhiên, nhiều người đã hiểu sai, đồng nhất khái niệm giữa xe máy và xe gắn máy, dẫn đến những tranh cãi khi cho rằng, xe máy chỉ được cháy tối đa 40km/h là không hợp lý.
Tuy nhiên, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT, quy định khái niệm về phương tiện cơ giới như sau:
|
|
Khái niệm về các loại phương tiện (ảnh chụp màn hình). |
Xe môtô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh. Khái niệm này không bao gồm xe gắn máy.
Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt, thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3.
Như vậy, hiểu theo nghĩa xe máy (xe môtô) chỉ được phép chạy tốc độ tối đa không vượt quá 40km/h là không chính xác.
Vũ Cảnh