"So sánh phí BOT Việt Nam thấp nhất khu vực là quá khập khiễng"
Cập nhật lúc 23:19, Thứ sáu, 15/04/2016 (GMT+7)
Liên quan đến quan điểm của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về mức phí tại các trạm thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) của Việt Nam đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á, theo các chuyên gia kinh tế và Hiệp hội Vận tải, sự so sánh đó là khập khiễng, biện hộ mức phí đắt hay rẻ phải dựa nhiều vào yếu tố của từng tuyến đường, lưu lượng phương tiện và thu nhập của người dân, chỉ số trượt giá, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng dự án. (mức phí, phí BOT, so sánh, khập khiễng)
Liên quan đến quan điểm của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về mức phí tại các trạm thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) của Việt Nam đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á, theo các chuyên gia kinh tế và Hiệp hội Vận tải, sự so sánh đó là khập khiễng, biện hộ mức phí đắt hay rẻ phải dựa nhiều vào yếu tố của từng tuyến đường, lưu lượng phương tiện và thu nhập của người dân, chỉ số trượt giá, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng dự án.
“Việc đầu tư xây dựng đường BOT phải bảo đảm người dân có quyền được lựa chọn việc sử dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, đơn vị vận tải hiện nay không có lựa chọn nào vì một đường BOT độc đạo và bị các trạm phí BOT bủa vây,” ông Thanh cho hay.
Mức phí BOT có thực sự thấp nhất khu vực?
Liên quan đến mức phí BOT của Việt Nam thấp nhất các nước Đông Nam Á, ông Liên cho rằng, mức phí thấp nhất không thể so sánh đồng tiền quy đổi ra mà phải dựa trên thu nhập của người dân, sự tăng trưởng kinh tế.
“Ở Singapore, người dân thu nhập 2.000-3.000 USD/tháng/người trong khi Việt Nam một năm bình quân 2.100 USD/người thì làm sao mà bằng được, đây là so sánh lệch, không khoa học và phù hợp.
Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bảy tỏ chính kiến, sự so sánh đó là khập khiễng. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đưa ra mức phí ở Trung Quốc khoảng 1 nhân dân tệ/km, tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km (tương đương khoảng hơn 10.000 đồng/km), còn tại Việt Nam mức trần là 2.000 đồng/km. Đây là vấn đề cần thẩm định lại vì tùy từng cung đường, đoạn đường, có khi lấy mức cao nhất ở nước ngoài để so với mức thấp nhất của Việt Nam.
“Tùy cung đường có cầu, hầm qua lại như thế nào, qua khu vực nào, chứ không thể so sánh đầu ra nhưng không so sánh đầu vào. Đầu vào của Việt Nam có thể thấp vì chi phí, thu nhập thấp hơn, nhân công rẻ hơn. Trong khi đó, có thể chất lượng đường, dịch vụ lại khác nhau. Giống như so sánh nông thôn với thành phố lại đi so sánh mức chi tiêu thì không thể so được vì đầu vào của nông thôn thấp, mua bán rẻ hơn. Một bát phở nông thôn phải khác một bát phở thành thị,” chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, chính vì lợi nhuận hoàn vốn của các nhà đầu tư đã dẫn đến giá phí qua trạm BOT hiện rất cao, quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp nên cần phải xem xét lại việc đầu tư ồ ạt các dự án BOT.
Theo ông Long, ngoài cơ quan Nhà nước cần có cả chuyên gia độc lập và mời cả chuyên gia nước ngoài để thẩm định lại, phải xem lại toàn bộ chi phí, từ khâu dự toán, khái toán tới lập dự toán, chi phí, rà soát lại các trạm thu phí, xem sắp xếp đã hợp lý chưa để làm sao phí thấp hơn, đảm bảo người dân và nhà đầu tư, Nhà nước hài hòa nhưng đây quả thật là bài toàn đau đầu./.
Theo vietnam+
.