Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, Sở GTVT sẽ được 29 xe buýt nhanh (BRT) đưa vào vận hành (đã bao gồm cả số xe dự phòng), tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22-30 km/h, thời gian vận hành một lượt từ 45-55 phút.
 


Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT Hà Nội.

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.

Các tuyến xe buýt thường đi trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT cũng sẽ được điều chỉnh, bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT nhưng phải đảm bảo hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT.

Tại 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng, sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác. Đồng thời cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên lưu thông trên 2 cầu vượt.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt nhanh BRT, liên ngành đã thống nhất bố trí các điểm trông giữ phương tiện giao thông cá nhân (xe đạp, xe máy) trên hè gần khu vực nhà chờ hoặc các khu vực lân cận, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu gửi xe lớn.
 

Theo Quang Phong/Dân trí

.