Các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên các tuyến quốc lộ mọc lên san sát khiến người dân và doanh nghiệp vận tải ngộp thở. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, mở đường là cần thiết, nhưng sự thiếu minh bạch trong đầu tư đã tạo gánh nặng, áp lực phí đường bộ lên người dân.
Ra ngõ là gặp trạm thu phí!
Thời gian gần đây, việc hàng loạt trạm thu phí BOT đi vào hoạt động trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vận tải và người dân. Đáng nói, dọc Quốc lộ 1 sau nâng cấp, mở rộng, trạm thu phí BOT dày đặc, không đảm bảo cự ly 70km/trạm thu phí. Đại diện một doanh nghiệp xe khách chuyên chạy tuyến phía Nam Hà Nội phản ánh: “Doanh nghiệp vận tải hiện rất khó khăn. Hàng tháng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ với mức 390.000 đồng/xe. Tuy nhiên, cũng với những chiếc xe này, mỗi khi lưu hành trên đường phải chịu thêm phí qua trạm BOT, mà tần suất trạm BOT hiện nay thì dày đặc trên các tuyến quốc lộ”.
Đại diện doanh nghiệp vận tải này thông tin, xe khách chạy từ Giáp Bát về Thái Bình có chiều dài 120km, hiện phải qua 3 trạm thu phí BOT, một trạm Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trạm qua cầu Tân Đệ và một trạm Mỹ Lộc. Đáng nói, tháng 6 tới đây, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ có thêm một trạm thu phí, đoạn đường tránh TP Phủ Lý nếu được Bộ GTVT thông qua cũng sẽ bắt đầu thu phí từ 1-1-2016.
Tương tự, anh Nguyễn Trung Thành chuyên chạy xe khách hợp đồng bày tỏ: “Cảm giác cứ bước chân ra khỏi nhà là gặp trạm thu phí. Tôi thường xuyên chở khách vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… trên tuyến Quốc lộ 1. Trạm thu phí dày đặc mà mức thu thì cao khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt vì phí”. Anh Nguyễn Trung Thành lấy ví dụ, xe của anh chạy hết tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ Đại Xuyên đến trạm Cao Bồ hết 140.000 đồng/lượt, qua trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa), trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An)… mức phí đều 75.000 đồng/lượt. Với việc nâng cấp Quốc lộ 1, trung bình mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất có một trạm thu phí BOT.
Cần minh bạch đầu tư, thời gian hoàn vốn
Giai đoạn 1 nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có chiều dài 29km thành cao tốc 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp do liên danh Cienco1 - Minh Phát - Phương Thành triển khai. Tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 là gần 2.000 tỷ đồng. Tháng 7 tới đây, tuyến cao tốc này sẽ bắt đầu thu phí, với mức phí 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương đương mức phí đang thu trên các tuyến cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: “Đây là tuyến đường được tân trang lại (liên danh nhà đầu tư chỉ nâng cấp mặt đường dựa trên cốt nền cũ mà không phải mở rộng) nhưng mức thu bằng tuyến đường mới đầu tư. Vì sao như vậy cần giải thích rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp không đồng tình với mức thu này. Nếu phải nộp phí cao, giá cước vận tải chắc chắn tăng. Và gánh nặng cuối cùng lại đổ lên vai người tiêu dùng”.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn là sự minh bạch trong đầu tư. Tại hầu hết các dự án BOT, thời gian thu phí hoàn vốn trung bình đều từ 18 - 20 năm, mức thu phí gấp 3 lần mức thu hiện tại và tiếp tục tăng trong năm 2016. Có một sự thực, quy mô và tổng mức đầu tư trong giai đoạn lập đề xuất dự án chỉ bằng 50% đến 60% quy mô và tổng mức đầu tư thực tế sẽ phải thực hiện. Việc này nhằm mục đích để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dễ dàng thông qua đề xuất dự án do nhà đầu tư đưa ra.
Nhưng ngược lại, tại bước lập dự án đầu tư cơ sở để xác định giá trị hợp đồng dự án, nhà đầu tư lại đưa tổng mức đầu tư gấp 1,5 đến 2 lần so với tổng mức đầu tư thực tế sẽ phải thực hiện. Đáng nói, sự thiếu minh bạch trong thời gian thu phí hoàn vốn dẫn đến áp lực cho người sử dụng hạ tầng. Hơn nữa, vì mục tiêu xã hội hóa nên dường như đã có sự ưu tiên cho nhà đầu tư khi tham gia mở đường, làm cầu.
Theo ANTĐ