Dự và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ban Quản lý dự án Thăng Long, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, giám sát đã thực hiện dự án đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
|
|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. |
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các vùng lân cận. Đồng thời đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp, đưa dự án vào khai thác đảm bảo chất lượng, an toàn...
|
|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu cắt băng khánh thành công trình. |
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA là 20,591 tỷ Yên, tương đương 4.525 tỷ đồng; và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 817 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long có điểm đầu tại Km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch; điểm cuối tại Km5+497,72 phía Nam cầu Thăng Long. Tổng chiều dài dự án là 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn cao tốc 4,591km. Địa điểm xây dựng tại quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm.
|
|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu và các đối tác Nhật Bản. |
Theo Bộ GTVT, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh Ram lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long dự kiến hoàn thành vào quý II/2021; tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại.
Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận.
|
|
Những chiếc xe đầu tiên lăn bánh sau lễ khánh thành công trình. |
Trong tương lai khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến đường vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của TP Hà Nội, cũng như khu vực hai bên sông Hồng tạo nên trục không gian cảnh quan của Thủ đô.