Hôm nay, đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ về Hà Nội
Cập nhật lúc 17:11, Thứ ba, 14/02/2017 (GMT+7)
Hôm nay (14/2), hai đầu máy, toa tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được vận chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội. (đoàn tàu, Bộ GTVT, toa tàu, vận chuyển, đường sắt Cát Linh - Hà Đông)
Hôm nay (14/2), hai đầu máy, toa tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được vận chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội.
Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết trong ngày hôm nay (14/2), hai đầu máy, toa tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được vận chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội.
|
Cẩu những toa tàu đầu tiên lên bờ. Ảnh BQLDA cung cấp |
Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho biết tối 12/2, hai đầu máy và hai toa chở khách thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến metro số Hà Nội) đã được đưa lên bờ an toàn tại cảng cá Hạ Long (Hải Phòng).
|
Những toa tàu đầu tiên về Việt Nam được trùm bạt cẩn thận. |
Sau khi cẩu từ tàu về khu vực kho hàng, làm thủ tục, dự kiến trong ngày hôm nay (14/2), lô hàng này sẽ được vận chuyển lên Hà Nội, tập kết ở đường Quang Trung, quận Hà Đông chuẩn bị lắp đặt..
|
Di chuyển đầu máy đường sắt vào vị trí tại cảng cá Hạ Long - Ảnh:Bam QLDA cung cấp. |
Ông Vũ Hồng Phương cho biết, thông số kỹ thuật không có gì thay đổi so với thiết kế. Trong đó, 2 đầu máy có chiều dài 19 m, cao 3,8 m, rộng ngang 2,8 m, trọng lượng mỗi đầu máy khoảng 35 tấn. Toa chở khách nặng 32 tấn, các thông số khác đều giống đầu máy. “Đây chỉ là lô hàng đầu tiên. Còn 50 toa tàu nữa sẽ được nhà thầu Trung Quốc chuyển tiếp về Việt Nam trong năm 2017”, ông Phương cho biết.
Theo vị đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, theo đúng lịch trình, đến tháng 7, tuyến đường sắt trên cao sẽ đóng điện, đến tháng 9 đi vào thử liên động. Thời gian chạy thử là 3-6 tháng. Vì thế, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9, số toa tàu còn lại sẽ về Việt Nam.
Ông Phương cho biết, đây là lô hàng đặc biệt, hàng siêu trường, siêu trọng. Để vận chuyển về được Hà Nội lô hàng phải có giấy phép lưu hành đặc biệt và đi theo lộ trình riêng để tránh các cầu vượt trên tuyến QL5.
Bộ GTVT đã cấp phép vận chuyển lộ trình vận chuyển đoàn tàu về Hà Nội như sau: Từ cảng cá Hạ Long di chuyển ra quốc lộ 5 cũ, qua quốc lộ 10 tới Thái Bình rồi di chuyển qua Phủ Lý (Hà Nam), tiếp đó di chuyển theo quốc lộ 1A cũ về Hà Nội./.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỷ đồng).
Toàn tuyến có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2009, dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.
Theo kế hoạch, hết quý I/2017, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot. Tháng 3/2017 sẽ bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành thiết bị và sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị vào cuối tháng 7/2017. Việc kiểm tra, kiểm định và thử hệ thống đơn động được tiến hành song song, tuần tự ngay khi lắp đặt thiết bị và mục tiêu đến 1/10/2017 sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống. |
Theo Phi Long/VOV
.