(BVPL) - Dự án mở rộng QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh) là những dự án lớn, mang tầm chiến lược quốc gia được đầu tư mở rộng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đến nay, dự án đã được Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai, thậm chí một số đoạn tuyến đã được khởi công. Tuy nhiên, tiến độ GPMB hiện vẫn đang gặp những vướng mắc có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án.

 


Đối với các dự án BOT, đến nay, toàn bộ 17 dự án đã được khởi công, trong đó có 5 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư gồm: hầm Đèo Cả, đoạn qua tỉnh Thừa – Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Thuận và đoạn Phan Thiết – Đồng Nai. Điều đáng nói là tiến độ GPMB tại các dự án BOT này đang diễn ra khá thuận lợi (Hà Tĩnh đã bàn giao 100% mặt bằng, các tỉnh còn lại cũng đã bàn giao mặt bằng và dự kiến xong trong Quý IV/2013) nhưng lại chỉ có 7/17 dự án được khởi công gồm: các nhà đầu tư Cienco4, Cienco5, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Công ty Trường Thịnh và BOT Đèo Cả, Liên doanh Công ty Kiến Hoàng và Công ty Hoàng Sơn.

Theo Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), có nhiều gói thầu có nguy cơ chậm so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân như: quá nhiều dự án cần tập trung thực hiện cùng một thời gian nên đòi hỏi một lực lượng tư vấn tham gia lớn. Bên cạnh đó cũng có những phát sinh như: sau khi tiến hành khảo sát đã phát hiện một số nơi có địa chất yếu nên phải có biện pháp bổ sung dẫn đến việc phải kéo dài thời gian. Các dự án cũng có những thay đổi trong các chỉ đạo nói chung về chiều rộng, qui mô cầu, cống, về bề rộng mặt đường… nên nhiều hồ sơ tư vấn thiết kế phải làm lại.

Tuy nhiên theo nhận định, tình trạng vướng GPMB vẫn là rào cản lớn nhất tác động đến tiến độ dự án.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo báo cáo từ các tỉnh, đến nay mới chỉ có 3 địa phương gồm: Đồng Nai, Long An và Hà Tĩnh có diện tích đã được thu hồi khả quan hơn, trong đó Đồng Nai đã thu hồi được hơn 89% diện tích, Long An đạt hơn 79% và Hà Tĩnh hơn 72%, còn lại 13 tỉnh có dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đi qua đạt rất thấp, thậm chí còn chưa thu hồi được một mét đất nào.

Để kiểm điểm tiến độ cũng như giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB dự án mở rộng QL1, ngày 22/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các địa phương có tuyến đường đi qua và các bộ, ngành, liên quan. Tại cuộc họp, đa số các địa phương đều đưa ra cam kết sẽ hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho dự án đúng cam kết, chậm nhất là ngày 31/12/2013. Tuy nhiên, cũng có một số tỉnh xin khất thời hạn sang Quý I/2014. Theo các địa phương, vướng mắc lớn nhất trong việc GPMB các dự án này là việc xác định lịch sử đất và xây dựng phương án đền bù. Ngoài ra, một khó khăn khách quan khác là việc di dời các công trình, hạ tầng đang nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng như: điện, nước, cáp viễn thông...

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Việc di dời cơ sở hạ tầng điện, nước, viễn thông ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng, hiện mỗi tỉnh làm một kiểu. Có tỉnh đã hỗ trợ kinh phí di dời nhưng nhiều tỉnh làm đúng qui định nên không hỗ trợ khiến nảy sinh tình trạng so bì. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo từ cấp Trung ương để thống nhất về việc này”.

Một vướng mắc nữa trong công tác GPMB QL1 là việc khó khăn về vốn để thực hiện các khu tái định cư. Ông Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Địa phương có 168,2 km QL1 đi qua, để thực hiện GPMB, tỉnh phải bố trí tái định cư cho 660 hộ dân với số vốn khoảng 191 tỷ đồng. Với ngân sách địa phương thì số tiền này rất lớn nên rất mong có sự hỗ trợ từ Chính phủ”.

Kết luận cuộc họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các tỉnh phải khẩn trương thành lập Ban GPMB, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để giải thích, giải đáp cho người dân để họ hiểu chủ trương lớn của Nhà nước. Phải tiếp xúc trực tiếp với người dân để làm cho dân hiểu. UBND tỉnh cần bố trí nhân lực có năng lực, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, cần di dời ngay các cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ dự án. Để thực hiện việc này, các tập đoàn viễn thông cần khẩn trương di dời hạ tầng ra khỏi phạm vi dự án theo tinh thần đã cam kết, không có hỗ trợ kinh phí. Các Bộ GTVT, KHĐT và Tài chính cần có sự phối hợp tốt với các tỉnh để thúc đẩy tiến độ dự án, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Trên tinh thần năm 2013 phải xong GPMB, chỉ còn lại số ít phải sang năm 2014.
 

PV

.